Josef Mengele
Josef Mengele | |
---|---|
Biệt danh | |
Sinh | Günzburg, Vương quốc Bayern, Đế quốc Đức | 16 tháng 3 năm 1911
Mất | 7 tháng 2 năm 1979 Nam Đại Tây Dương, ngoài khơi Bertioga, Santos, São Paulo, Brazil | (67 tuổi)
Thuộc | Đức Quốc Xã |
Quân chủng | Schutzstaffel |
Năm tại ngũ | 1938—1945 |
Cấp bậc | SS-Hauptsturmführer (Đại úy) |
Tặng thưởng | Thập tự sắt hạng nhất Huy chương trọng thương hạng ba Huy chương vì sự nghiệp chăm sóc người Đức |
Phối ngẫu |
|
Con cái | Rolf Mengele |
Người thân | Karl Mengele Walburga Hupfauer |
Chữ ký |
Josef Mengele ([ˈjoːzɛf ˈmɛŋələ] ⓘ; 16 tháng 3 năm 1911 – 7 tháng 2 năm 1979), còn được biết đến với biệt danh Thiên thần Chết (tiếng Đức: Todesengel),[1] là một sĩ quan Schutzstaffel (SS) và bác sĩ quân y người Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khét tiếng vì những thí nghiệm vô nhân đạo trên các tù nhân tại trại tập trung Auschwitz.
Giai đoạn tiền chiến, Mengele được trao hai bằng tiến sĩ ngành nhân chủng học và y học. Ông lần lượt gia nhập Đảng Quốc Xã vào năm 1937 rồi SS vào năm 1938. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Mengele được bổ nhiệm làm sĩ quan y tế cấp tiểu đoàn, trước khi chuyển đến làm việc tại Auschwitz vào năm 1943. Tại đây, Mengele được giao nhiệm vụ tuyển chọn tù nhân để thủ tiêu tại các phòng hơi ngạt.[a] Ngoài hành vi trực tiếp giết người, Mengele còn thực hiện hàng loạt thí nghiệm trên cơ thể tù nhân nhằm phục vụ những nghiên cứu trong lĩnh vực di truyền học, tập trung chủ yếu vào các cặp sinh đôi mà không hề quan tâm đến sức khỏe cũng như sự an toàn của các nạn nhân.[3][4] Ngày 17 tháng 1 năm 1945, chỉ 10 ngày trước khi Hồng quân Liên Xô giải phóng trại Auschwitz, Mengele được di tản tới Trại tập trung Gross-Rosen cách đó 280 kilômét (170 dặm).
Sau chiến tranh, Mengele tìm cách đào tẩu tới Nam Mỹ. Thông qua Con đường chuột, ông chạy trốn bằng đường biển đến Argentina vào tháng 7 năm 1949. Ban đầu Mengele sống tại khu vực Buenos Aires, nhưng sau đó phải chạy tới Paraguay năm 1959 và Brasil năm 1960 trước sự truy lùng gắt gao của Tây Đức, Israel và những thợ săn quốc xã. Mặc cho những yêu cầu dẫn độ của chính phủ Tây Đức và các hoạt động bí mật của cơ quan tình báo Israel Mossad, Mengele vẫn không sa lưới trong suốt phần đời còn lại. Ông chết đuối do đột quỵ tại bãi biển Bertioga và được chôn cất dưới tên giả Wolfgang Gerhard. Năm 1985, hài cốt của Mengele được khai quật và nhận diện bằng phương pháp giám định pháp y.[2]
Thân thế
[sửa | sửa mã nguồn]Sinh ra tại Günzburg vào ngày 16 tháng 3 năm 1911, Mengele là con trai cả trong ba đứa con của cặp vợ chồng Walburga (nhũ danh Hupfauer) và Karl Mengele.[5] Hai người em trai của ông lần lượt là Karl Jr. và Alois. Karl mua một cơ sở sản xuất nông cụ vào năm 1907[6] và chỉ trong ít năm đã trở thành ông chủ lớn nhất tại địa phương. Khi Karl qua đời vào năm 1959, công ty Karl Mengele & Söhne có 2000 nhân viên trên toàn thế giới. Karl từng chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Đức trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Những năm 1920, ông gia nhập lực lượng bán quân sự Der Stahlhelm, Bund der Frontsoldaten và từng có khoảng thời gian là đảng viên Đảng Nhân dân Quốc gia Đức. Karl được miêu tả là một người theo chủ nghĩa bảo thủ nhưng không được xem là một người bài Do Thái. Trong các năm 1924 và 1929, ông tranh cử Hiệp hội Công dân Tự do cho Hội đồng Thành phố Günzburg nhưng không thành.[7] Karl Mengele gia nhập Đảng Quốc Xã vào năm 1932 và dường như nhận được một ghế trong hội đồng thành phố vì có đóng góp cho đảng. Sau khi hứng phải chỉ trích từ nội bộ đảng rằng ông dùng tiền để mua chức quyền, Karl gia nhập lực lượng SS vào năm 1935.[8] Giới nghiên cứu lịch sử mô tả môi trường gia đình nơi Josef Mengele lớn lên không mang tư tưởng Quốc gia xã hội mà hơi hướng chủ nghĩa Công giáo bảo thủ và Quốc gia Đức.[9][10][11]
Thiếu thời
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1924, Josef Mengele gia nhập Đoàn Thanh niên Đại Đức (Großdeutschen Jugendbund, GDJ) ở tuổi 13. Trong khoảng thời gian từ năm 1927 đến 1930, ông giữ chức trưởng nhóm Thanh niên địa phương tại Günzburg.[7][12] Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1930, Josef Mengele trúng tuyển vào ngành y khoa của Đại học Ludwig Maximilian tại München,[13] nơi Đảng Quốc xã đặt trụ sở.[14] Ông chuyển đến Bonn trong học kỳ thứ ba vì lý do cá nhân. Theo lời tự thuật, ông quyết định không tham gia bất kỳ hội sinh viên nào vì không thích thói rượu chè của họ. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 1931, Mengele đã gia nhập lực lượng thanh niên của Stahlhelm là Jungstahlhelm.[13][15] Trong nhật ký của mình, Mengele giải thích rằng ông và một người bạn học từng chứng kiến một cuộc biểu tình cộng sản và cảm thấy đã đến lúc lựa chọn phe phái chính trị cho bản thân.[16] Sau khi trải qua một học kỳ ở Viên, ông quay trở lại München vào mùa hè năm 1933 và ghi danh vào khoa nhân chủng học.[13]
Năm 1935, Mengele nhận được điểm tuyệt đối với luận án Rassenmorphologische Untersuchung des vorderen Unterkieferabschnittes bei vier rassischen Gruppen ("Nghiên cứu hình thái học xương hàm dưới của bốn nhóm chủng tộc") và được giám đốc Viện Nhân chủng học München, Theodor Mollison trao bằng tiến sĩ nhân chủng học hạng summa cum laude (xuất sắc tột đỉnh).[13] Để thực hiện luận án, ông kiểm tra 123 bộ hàm dưới từ Bộ sưu tập Nhân chủng học ở München, những tài liệu từ lịch sử loài người thời sơ khai. Mục đích là để xác định mối liên hệ giữa các chủng tộc thông qua những phần xương hàm này. Đại diện quan điểm ngày nay, sử gia y học Udo Benzenhöfer cho rằng đây đúng ra là một "[suy nghĩ] điên rồ" chứ không phải khoa học.[17]
Vào mùa hè năm 1936, Mengele vượt qua kỳ kiểm tra y tế cấp nhà nước. Sau bốn tháng thực tập tại Phòng khám Nhi đồng Đại học Leipzig, ông tiếp nhận vị trí trợ lý theo lời giới thiệu của Mollison vào năm 1937 tại Viện Đại học về Sinh học Di truyền và Vệ sinh nhân chủng ở Frankfurt am Main, lúc bấy giờ do tiến sĩ Otmar Freiherr von Verschuer điều hành.[13] Mollison và Von Verschuer được coi là những người đã khơi dậy mối quan tâm của Mengele dành cho các vấn đề liên quan tới thuyết ưu sinh và bệnh lý di truyền. Trong vai trò trợ lý của Von Verschuer, Mengele tập trung nghiên cứu các yếu tố di truyền dẫn đến các bệnh sứt cằm, sứt môi và hở hàm ếch. Luận án về chủ đề này giúp ông nhận được bằng tiến sĩ y khoa loại xuất sắc tại Đại học Frankfurt vào năm 1938.[18][19] Trong một bức thư giới thiệu, Von Verschuer ca ngợi độ tin cậy của Mengele và kỹ năng truyền đạt các tài liệu phức tạp một cách rành mạch.[20] Tác giả người Mỹ Robert Jay Lifton lưu ý rằng các công trình nghiên cứu mà Mengele từng công bố đều phù hợp với xu hướng khoa học thời đó và chúng thậm chí có thể được coi là những công trình nghiên cứu hợp lệ ngay cả bên ngoài Đức Quốc Xã.[20]
Phục vụ tại ngũ
[sửa | sửa mã nguồn]Ý thức hệ quốc xã kết hợp những yếu tố của chủ nghĩa bài Do Thái, vệ sinh nhân chủng và ưu sinh với chủ nghĩa Liên Đức và chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ, xem việc tìm kiếm Lebensraum (không gian sống) cho dân tộc Đức là sứ mệnh tối thượng. Để đạt được mục tiêu trên, Đức Quốc Xã xâm lược Ba Lan và Liên Xô, dự định trục xuất người Do Thái và Slav bản địa — những sắc dân bị Đức Quốc Xã đánh giá là thấp kém hơn chủng tộc Aryan.[21]
Sau khi gia nhập Đảng Quốc Xã vào năm 1937 và Schutzstaffel (SS) vào năm 1938, Mengele tham gia khóa đào tạo quân sự cơ bản của Gebirgsjäger.[b] Tháng 6 năm 1940, ông được gọi vào Wehrmacht chỉ ít lâu sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Mengele tình nguyện trở thành bác sĩ quân y trong Waffen-SS, nhánh chiến đấu của SS, phục vụ với quân hàm SS-Untersturmführer (thiếu úy) trong một tiểu đoàn dự bị y tế cho đến tháng 11 năm 1940. Sau đó, ông được điều đến làm việc tại SS-Rasse- und Siedlungshauptamt ở Poznań với công việc chính là chọn lựa những ứng viên đủ điều kiện về mặt nhân chủng để tham gia chương trình Đức hóa.[22][23]
Tháng 6 năm 1941, Mengele được điều tới Ukraina và được trao tặng Huân chương Thập tự sắt hạng hai. Đầu năm 1942, ông gia nhập Sư đoàn Panzer SS số 5 "Wiking" dưới tư cách bác sĩ quân y cấp tiểu đoàn. Sau khi giải cứu hai lính Đức khỏi một xe tăng bị cháy, Mengele được cấp trên trao tặng Huân chương Thập tự sắt hạng nhất, Huân chương trọng thương màu đen cùng Huân chương vì sự nghiệp chăm sóc người Đức. Giữa năm 1942, do bị thương nặng gần Rostov trên sông Đông, Mengele được chẩn đoán là không còn đủ khả năng phục vụ tại ngũ. Sau khi bình phục, ông được điều đến làm việc tại Văn phòng Định cư và Chủng tộc SS ở Berlin. Tại đây, Mengele một lần nữa có cơ hội hợp tác với Von Verschuer, người lúc bấy giờ đã là giám đốc của Viện Nhân chủng học, Di truyền con người và Ưu sinh Hoàng đế Wilhelm.[c] Tháng 4 năm 1943, Mengele được thăng hàm SS-Hauptsturmführer (đại úy).[24][25][26]
Auschwitz
[sửa | sửa mã nguồn]Kể từ năm 1942, Trại Auschwitz II (Birkenau) – vốn ban đầu được dự định làm nơi giam giữ nô lệ lao động – bắt đầu được sử dụng làm trại lao động và trại hủy diệt.[27][28] Hàng ngày, tù nhân được vận chuyển đến Auschwitz bằng đường sắt từ mọi vùng lãnh thổ châu Âu do Đức Quốc Xã kiểm soát.[29] Các bác sĩ SS tiến hành "tuyển chọn" những tù nhân mới chuyển đến và phân họ thành hai loại, những người đủ khả năng lao động sẽ được nhận vào trại, còn ai không đủ điều kiện sẽ bị giết trong phòng hơi ngạt.[30][d] Những người bị giết – chiếm 3/4 tổng số tù nhân – hầu hết đều là trẻ em, phụ nữ có con nhỏ, phụ nữ có thai, người già và những người được chẩn đoán là không đủ khỏe mạnh (sau những cuộc kiểm tra ngắn gọn và hời hợt của bác sĩ SS).[32][33]
Đầu năm 1943, Von Verschuer khuyến khích Mengele nộp đơn xin làm việc ở trại tập trung.[24][34] Sau khi được chấp nhận, Mengele chuyển đến Auschwitz làm việc. Ông được giám đốc y tế Auschwitz, SS-Standortarzt Eduard Wirths, bổ nhiệm làm y sĩ trưởng của khu Zigeunerfamilienlager (trại gia đình người Di-gan) ở Birkenau,[24][34] một tiểu trại của khu phức hợp Auschwitz. Công việc của bác sĩ SS không phải là điều trị cho các tù nhân ở Auschwitz mà là giám sát các tù nhân có trình độ y khoa làm việc.[35] Một trong những nhiệm vụ của Mengele là đến thăm bệnh viện hàng tuần và bắt bất kỳ tù nhân nào chưa hồi phục sau hai tuần nằm giường đến phòng hơi ngạt.[36]
Mengele đảm trách công việc "tuyển chọn" và tự nguyện làm công việc này ngay cả khi không được giao nhiệm vụ với hy vọng tìm kiếm đối tượng phù hợp để thí nghiệm[37] và dành sự quan tâm đặc biệt đến các cặp song sinh.[38] Tuy hầu hết các bác sĩ SS đều coi công việc tuyển chọn là một trong những nhiệm vụ căng thẳng và khó chịu nhất, song Mengele lại xem đây là một công việc nhẹ nhàng và thường mỉm cười hoặc huýt sáo lúc làm việc.[39][35] Ông là một trong những bác sĩ SS đảm trách nhiệm vụ giám sát Zyklon B, một loại thuốc trừ sâu Xyanua dùng để giết người hàng loạt trong các phòng hơi ngạt ở Birkenau.[40]
Khi bệnh viêm miệng hoại tử – một căn bệnh do vi khuẩn gây hoại tử ở miệng và mặt – hoành hành tại khu của người Di-gan vào năm 1943, Mengele bắt đầu nghiên cứu để xác định nguyên nhân của căn bệnh này và phát triển một phương pháp điều trị. Ông tranh thủ sự giúp đỡ của tù nhân Berthold Epstein, một bác sĩ nhi khoa người Do Thái và giáo sư tại Đại học Karl ở Praha. Bệnh nhân bị cách ly trong một khu trại tách biệt, một số trẻ em mắc bệnh bị giết để lấy thủ cấp và nội tạng nhằm gửi đến Học viện Y tế SS ở Graz và các cơ sở khác để nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu vẫn được tiến hành khi trại người Di-gan bị đóng cửa và những tù nhân còn lại bị sát hại vào năm 1944.[3]
Khi một trận dịch sốt phát ban bùng phát ở khu trại phụ nữ, Mengele cho dọn sạch một khu nhà có sáu trăm phụ nữ Do Thái sinh sống rồi giết họ trong phòng hơi ngạt. Khu nhà sau đó được làm sạch và khử trùng. Những tù nhân sống tại khu nhà lân cận sẽ được tắm rửa sạch sẽ và ban quần áo mới trước khi bị ép chuyển đến khu nhà đã khử trùng. Quá trình này được lặp đi lặp lại cho đến khi mọi khu nhà đã được làm sạch. Quy trình tương tự cũng được áp dụng trong các vụ bùng phát dịch ban đỏ và các bệnh khác sau đó, điểm chung là tù nhân bị nhiễm bệnh sẽ bị giết trong phòng hơi ngạt. Bằng những phương thức chống dịch này, Mengele được trao tặng Huân chương Chiến tranh (Hạng Nhì với thanh kiếm) và được thăng cấp lên Y sĩ thứ nhất của tiểu khu Birkenau vào năm 1944.[41]
Thí nghiệm trên người
[sửa | sửa mã nguồn]Mengele xem Auschwitz là cơ hội để tiếp tục công trình nghiên cứu nhân chủng học cũng như tính di truyền và thường sử dụng tù nhân vào các thí nghiệm trên người.[3] Các phương pháp thí nghiệm không hề đoái hoài đến sức khỏe, sự an toàn, hay sự đau khổ về thể chất lẫn tinh thần của nạn nhân.[3][4] Mengele đặc biệt quan tâm đến những cặp song sinh cùng trứng, người mắc chứng dị sắc tố (mắt có hai màu khác nhau), người lùn và những người bị dị tật bẩm sinh.[3] Theo yêu cầu Von Verschuer – người thường xuyên nhận các báo cáo và mẫu vật từ Mengele – công trình nghiên cứu của Mengele nhận được sự tài trợ của Deutsche Forschungsgemeinschaft (Quỹ Nghiên cứu Đức). Khoản tài trợ được sử dụng để xây dựng một phòng thí nghiệm bệnh lý nằm kế bên Lò thiêu II tại Auschwitz II-Birkenau.[42] Miklós Nyiszli, một nhà nghiên cứu bệnh học người Do Thái Hungary, đến Auschwitz ngày 29 tháng 5 năm 1944, đã từng bị ép phải thực hiện các ca giải phẫu và chuẩn bị các bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm này để gửi lên trên.[43] Những cuộc nghiên cứu về các cặp song sinh được tiến hành, một phần nhằm chứng minh tính ưu việt của di truyền đối với môi trường để củng cố giả thuyết về tính ưu việt di truyền của chủng tộc Aryan.[44] Nyiszli và nhiều người khác cho rằng các nghiên cứu về về các cặp song sinh được tiến hành với mục đích tăng tỷ lệ sinh sản của chủng tộc Đức bằng cách cải thiện khả năng sinh đôi của những người nằm trong diện "đáng để phối giống".[45]
Các đối tượng nghiên cứu của Mengele được cho ăn và cung cấp nơi ở tốt hơn những tù nhân khác và tạm thời không bị giết trong phòng hơi ngạt.[46] Họ sống trong một khu riêng, được cung cấp thực phẩm chất lượng tốt hơn một chút và điều kiện sống cải thiện phần nào so với các khu vực khác của trại.[47] Khi đến thăm các đối tượng nhỏ tuổi, Mengele thường thể hiện một gương mặt thân thiện, tự giới thiệu mình là "Chú Mengele" và phát kẹo cho chúng ăn.[48] Tuy nhiên, trái ngược với bộ mặt thân thiện thường thể hiện, Mengele chính là người trực tiếp gây ra cái chết của vô số nạn nhân thông qua các hình thức như tiêm thuốc độc, bắn, đánh đập và thí nghiệm vô nhân tính.[49] Trong cuốn sách năm 1986, Lifton mô tả Mengele là một kẻ "tàn ác, vô cảm và cực kỳ bài Do Thái", cho rằng người Do Thái là một "chủng tộc hạ đẳng và nguy hiểm cần bị tiêu diệt".[50] Rolf Mengele về sau cũng công nhận rằng cha mình không hề tỏ ra hối hận với những việc mà ông đã làm trong chiến tranh.[51]
Một cựu tù Auschwitz từng bị ép phục vụ làm y sĩ nói về Mengele như sau:
Mengele luôn tỏ ra ân cần với những đứa trẻ nên chúng thích ông ấy. Ông ta cho chúng kẹo, thậm chí quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày của đám trẻ và làm những điều mà chúng ta phải trầm trồ ngưỡng mộ ... Nhưng rồi ... những đứa trẻ mới được cho kẹo kia – ngày hôm sau hoặc nửa giờ sau – sẽ bị ông ta đưa vào lò thiêu. Thế đấy, đấy chính là điều bất bình thường [của gã này].[52]
Hàng tuần, Mengele hoặc phụ tá của ông ta tiến hành kiểm tra và đo đạc định kỳ chỉ số thể chất của các cặp song sinh.[53] Những thí nghiệm được thực hiện trên các cặp song sinh bao gồm việc cắt cụt các chi mà Mengele cho là "không cần thiết", khiến một trong hai đứa trẻ mắc sốt phát ban hoặc một số bệnh khác rồi lấy máu tiêm vào đứa trẻ còn lại. Rất nhiều nạn nhân đã tử vong khi Mengele tiến hành các thí nghiệm này,[54] những người qua khỏi cũng bị giết ngay sau đó, thi thể bị mổ xẻ do đã hết mục đích sử dụng.[55] Nyiszli kể rằng Mengele đã tự tay kết liễu mười bốn cặp song sinh trong một đêm bằng cách tiêm chloroform vào tim chúng.[35] Nếu một trong hai đứa trẻ song sinh nhỡ chết vì bệnh tật, Mengele sẽ giết nốt đứa còn lại nhằm so sánh kết quả khám nghiệm tử thi để phục vụ cho mục đích nghiên cứu.[56]
Các thí nghiệm về mắt của Mengele bao gồm tiêm hóa chất vào nhãn cầu của đối tượng sống với hy vọng làm thay đổi màu mắt, còn những người bị mắc chứng loạn sắc tố mống mắt sẽ bị giết và móc mắt để gửi đến Berlin nghiên cứu.[57] Đối với người lùn hoặc người bị dị tật bẩm sinh, Mengele thực hiện kiểm tra thể chất, lấy máu, nhổ những chiếc răng khỏe mạnh và tiến hành điều trị bằng tia X hoặc các loại thuốc thang hỗn tạp.[4] Nhiều nạn nhân sẽ bị đưa đến phòng hơi ngạt chỉ sau khoảng hai tuần, còn xương của họ sẽ được gửi đến Berlin để nghiên cứu thêm.[58] Mengele thường tìm bắt những phụ nữ có thai để thực hiện thí nghiệm trước khi ném họ vào phòng hơi ngạt.[59] Một nạn nhân sống sót tên Alex Dekel kể lại rằng ông từng tận mắt chứng kiến Mengele giải phẫu moi tim và dạ dạy mà không hề gây mê nạn nhân.[60] Năm 2009, một nạn nhân sống sót khác tên Yitzhak Ganon kể lại rằng Mengele đã lấy thận của ông mà không tiêm thuốc mê. Sau ca phẫu thuật, ông bị ép tiếp tục làm việc mà không được cấp thuốc giảm đau.[61] Nhân chứng Vera Alexander kể rằng Mengele từng cố gắng khâu hai cặp song sinh người Di-gan lại với nhau, hy vọng tạo ra một cặp song sinh dính liền.[54] Cả hai đứa trẻ đều qua đời vì hoại tử sau vài ngày chịu đau đớn.[62]
Giai đoạn hậu Auschwitz
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 17 tháng 1 năm 1945, Mengele cùng với một số đồng nghiệp khác được di tản tới Trại tập trung Gross-Rosen ở Hạ Schlesien, mang theo hai hộp đựng mẫu vật và hồ sơ các thí nghiệm tại Auschwitz. Hầu hết hồ sơ bệnh án của trại đã bị SS tiêu hủy[63][64] vào thời điểm Hồng quân Liên Xô giải phóng trại Auschwitz vào ngày 27 tháng 1. Mengele trốn khỏi Gross-Rosen vào ngày 18 tháng 2, một tuần trước khi Hồng quân ập tới.[65] Ông sau đó chạy đến Žatec ở Tiệp Khắc, cải trang thành một sĩ quan Wehrmacht. Tại đây, Mengele tạm thời giao những bằng chứng phạm tội của mình cho một người y tá mới quen.[63] Ông và đơn vị của mình sau đó đã nhanh chóng chạy về phía Tây để lẩn tránh Hồng quân, song cả nhóm đã bị người Mỹ bắt giữ vào tháng 6 năm 1945. Dù Mengele khi đó vẫn sử dụng tên thật, nhưng bởi những sai sót trong khâu quản lý, đơn vị giam giữ không hề hay biết việc ông nằm trong danh sách những tội phạm chiến tranh bị truy nã.[66] Ngoài ra, do không phát hiện hình xăm máu đặc trưng của thành viên SS trên cơ thể, Mengele được người Mỹ phóng thích chỉ sau một tháng ngồi tù.[67]
Sau khi kiếm được giấy tờ giả dưới cái tên "Fritz Hollmann",[67] Mengele đã mạo hiểm quay về vùng bị Liên Xô chiếm đóng để tìm kiếm hồ sơ thí nghiệm Auschwitz của mình. Sau nhiều tháng lẩn trốn, ông bắt đầu sống dưới vỏ bọc của một người nông dân ở Rosenheim, Bayern.[68] Ngày 17 tháng 4 năm 1949, Mengele quyết định rời khỏi Đức trốn ra nước ngoài do lo sợ sẽ nhận án tử nếu phải ra hầu tòa.[69][70] Được sự hỗ trợ của một mạng lưới cựu thành viên SS, Mengele sử dụng con đường chuột để trốn đến Genova, Ý. Sau khi nhận được một cuốn hộ chiếu từ Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế dưới danh tính "Helmut Gregor", Mengele khởi hành đến Argentina vào tháng 7 năm 1949. Vợ Mengele, Irene Mengele, từ chối đi cùng. Hai người ly hôn vào năm 1954.[71]
Nam Mỹ
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi đến Argentina, Mengele hành nghề thợ mộc ở Buenos Aires và sống trong một ngôi nhà trọ ở khu ngoại ô Vicente López.[72] Một vài tuần sau đó, Mengele chuyển đến sống tại nhà của một người có cảm tình với chủ nghĩa quốc xã ở khu nhà giàu Florida Este. Khoảng thời gian tiếp đó, Mengele làm nhân viên bán hàng cho công ty gia đình Karl Mengele & Söhne. Kể từ năm 1951, ông thường xuyên thực hiện các chuyến công tác đến Paraguay với tư cách là đại diện bán hàng khu vực Nam Mỹ.[73] Năm 1953, Mengele chuyển đến sống trong một căn hộ ở trung tâm Buenos Aires và sau đó thuê một căn nhà ở ngoại ô Olivos vào năm 1954.[74] Hồ sơ do chính phủ Argentina công bố năm 1992 cho thấy Mengele có thể đã hành nghề y bất hợp pháp trong thời gian sống tại Buenos Aires, bao gồm cả việc phá thai.[75]
Sau khi có được bản sao giấy khai sinh gốc thông qua đại sứ quán Tây Đức vào năm 1956, Mengele đã được phía Argentina cấp giấy phép cư trú dưới tên thật. Ông sử dụng giấy tờ và tên thật để làm hộ chiếu Tây Đức và khởi hành đến châu Âu ngay sau đó.[76][77] Ông gặp con trai Rolf và em dâu góa chồng là Martha tại Thụy Sĩ. Rolf không hề biết đây là bố mình do ông tự xưng là "Chú Fritz".[78] Sau kỳ nghỉ trượt tuyết ở Thụy Sĩ, Mengele theo hai cô cháu Martha, Rolf về quê nhà Günzburg và ở lại đây một tuần.[79][80] Sau khi quay trở lại Argentina vào tháng 9 năm 1956, Mengele bắt đầu sống dưới danh tính thật. Martha cùng con trai là Karl Heinz (người gọi Josef Mengele là bác ruột) cũng đến Argentina khoảng một tháng sau đó. Năm 1958, Josef Mengele và em dâu Martha kết hôn với nhau khi đang du lịch ở Uruguay.[76][81] Hai người mua một ngôi nhà chung Buenos Aires. Cũng trong thời gian này, Mengele trở thành cổ đông của một công ty dược phẩm có tên là Fadro Farm. Cũng trong năm đó, Mengele cùng một số bác sĩ khác bị cơ quan chức năng tạm giam do nghi ngờ hành nghề y bất hợp pháp khi một thiếu nữ tử vong sau khi nạo phá thai, song đã được thả tự do chỉ ít lâu sau đó. Nhận thức rằng việc công khai danh tính có thể khiến quá khứ quốc xã và các hoạt động thời chiến bị lộ tẩy, Mengele thực hiện một chuyến công tác dài ngày tới Paraguay và được cấp quyền công dân ở đó vào năm 1959 dưới tên "José Mengele".[82] Ông quay trở lại Buenos Aires vài lần để giải quyết công việc kinh doanh và thăm gia đình. Martha và Karl sống trong một căn nhà trọ tại Buenos Aires cho đến khi quay trở về Tây Đức vào tháng 12 năm 1960.[83]
Tên của Mengele tuy được nhắc đến nhiều lần trong Phiên tòa Nürnberg nhưng quân Đồng minh cho rằng nhiều khả năng ông đã chết.[84] Bản thân Irene Mengele và gia đình ở Günzburg cũng tuyên bố rằng Mengele đã qua đời.[85] Trong thời gian ở Tây Đức, hai thợ săn quốc xã là Simon Wiesenthal và Hermann Langbein đã thu thập thông tin từ các nhân chứng về các hoạt động thời chiến của Mengele. Khi lục lọi trong đống hồ sơ, Langbein phát hiện giấy tờ ly hôn của Mengele kèm một địa chỉ ở Buenos Aires. Cả Langbein lẫn Wiesenthal sau đó đã tìm cách gây áp lực yêu cầu chính quyền Tây Đức dẫn độ Mengele về nước. Sau nhiều nỗ lực thì vào ngày 5 tháng 6 năm 1959, văn phòng công tố viên ở Freiburg im Breisgau chính thức phát lệnh bắt giữ Mengele.[86][87] Argentina ban đầu từ chối yêu cầu dẫn độ vì đối tượng truy nã đã không còn sống tại địa chỉ được ghi trên các tài liệu. Vào thời điểm yêu cầu dẫn độ được phía Argentina chấp thuận vào ngày 30 tháng 6 thì Mengele đã đào tẩu sang Paraguay và đang lẩn trốn trong một trang trại gần biên giới Argentina.[88]
Nỗ lực của Mossad
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 5 năm 1960, Isser Harel, giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel, đích thân chỉ huy cuộc vây bắt Adolf Eichmann ở Buenos Aires. Ông hy vọng sẽ tìm ra tung tích của Mengele để đưa người này về Israel xét xử.[89] Trong quá trình hỏi cung, Eichmann khai ra địa chỉ một ngôi nhà trọ từng được sử dụng làm nơi ẩn náu của những kẻ đào tẩu Đức Quốc Xã. Trong thời gian theo dõi, đặc vụ Mossad không phát hiện Mengele hay bất kỳ người thân nào xung quanh ngôi nhà trên. Người đưa thư khu phố khẳng định không lâu trước đó Mengele từng nhận được nhiều lá thư gửi tới dưới tên thật, song ông ta sau đó đã chuyển đi mà không để lại địa chỉ mới. Sau khi không thể lần ra bất kỳ manh mối mới nào từ một cửa hàng mà Mengele từng là cổ đông, Harel buộc phải từ bỏ việc tìm kiếm.[90]
Từng sơ suất cung cấp tài liệu pháp lý giúp Mengele hoàn tất các thủ tục đăng ký giấy phép cư trú tại Argentina, chính phủ Tây Đức tuyên bố treo thưởng cho bất kỳ ai bắt được ông. Việc hình ảnh cũng như quá khứ của bản thân liên tục xuất hiện trên các mặt báo buộc Mengele phải lẩn trốn thêm một lần nữa vào năm 1960. Cựu phi công Hans-Ulrich Rudel đóng vai trò trung gian giúp Mengele kết nối với Wolfgang Gerhard để tẩu thoát sang Brazil.[83][91] Mengele ở lại với Gerhard trong một trang trại của người này gần São Paulo, chờ đợi thời cơ tìm kiếm một chỗ ở lâu dài hơn. Cơ hội đã đến khi Mengele gặp gỡ cặp vợ chồng người Hungary là Géza và Gitta Stammer. Với sự giúp đỡ từ Mengele, hai vợ chồng mua được một trang trại ở Nova Europa, do đó đã tin tưởng thuê Mengele làm người quản lý. Cả ba sau đó đã chung vốn mua một trang trại trồng cà phê và gia súc ở Serra Negra. Ban đầu, Gerhard nói với vợ chồng Stammer rằng Mengele tên là "Peter Hochbichler", nhưng chuyện bị lộ tẩy vào năm 1963. Gerhard thuyết phục hai người không khai báo vị trí của Mengele cho chính quyền, đe dọa rằng họ có thể bị liên lụy vì chứa chấp một tội phạm truy nã.[92] Tháng 2 năm 1961, Brazil cũng nhận được yêu cầu dẫn độ từ Tây Đức do giới chức trách nước này nghi ngờ Mengele có thể đã chuyển đến đó.[93]
Cũng trong thời điểm này, Zvi Aharoni, một trong những đặc vụ Mossad từng tham gia vào vụ bắt cóc Eichmann, được giao phụ trách một nhóm đặc vụ có nhiệm vụ truy lùng Mengele để đưa tới Israel xét xử. Những cuộc điều tra ở Paraguay không tiết lộ manh mối nào về nơi ở của Mengele và Mossad cũng không bắt chặn được bất kỳ thư từ nào giữa Mengele và Martha, lúc bấy giờ đang sống ở Ý. Các đặc vụ theo dõi nhất cử nhất động của Rudel cũng không khai thác được bất kỳ thông tin có giá trị nào.[94] Sau nhiều nỗ lực, đặc vụ Mossad phát hiện hành tung của Gerhard và theo chân người này đến một vùng nông thôn gần São Paulo, nơi họ xác định được một người đàn ông châu Âu bị tình nghi là Mengele.[95] Ngay sau đó, Aharoni liền báo cáo vụ việc cho Harel và trình bày kế hoạch dàn dựng một vụ bắt cóc. Tuy nhiên, do Israel lúc bấy giờ đang đứng bên bờ vực chiến tranh với Ai Cập, việc truy lùng tội phạm chiến tranh Đức Quốc Xã bị liệt xuống hàng thứ yếu, ngân sách hoạt động bị cắt giảm, Isser Harel buộc phải rút mọi đặc vụ Mossad đang hoạt động ở Nam Mỹ về nước.[96]
Cuối đời và cái chết
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1969, Mengele cùng gia đình Stammer trở thành đồng sở hữu chủ một trang trại ở Caieiras.[97] Năm 1971, khi Wolfgang Gerhard quay trở về Đức tìm cách chạy chữa cho vợ và con mắc trọng bệnh, ông đã đưa chứng minh thư của mình giao cho Mengele.[98] Mối quan hệ giữa hai vợ chồng Stammer và Mengele trở nên xấu đi vào cuối năm 1974, khi họ tự mua một ngôi nhà ở São Paulo mà không mời Mengele góp vốn.[e] Sau đó, gia đình Stammer mua một căn nhà gỗ ở khu phố Eldorado ở Diadema, São Paulo và cho Mengele thuê.[101] Rolf, người chưa từng gặp lại cha kể từ kỳ nghỉ trượt tuyết năm 1956, đã đến thăm ông tại ngôi nhà gỗ này năm 1977. Tại đây, Rolf chạm trán với một kẻ "không hề biết ăn năn hối cải", người tuyên bố rằng ông chưa bao giờ làm hại bất kỳ ai và chỉ làm tròn bổn phận của một sĩ quan.[102]
Sức khỏe của Mengele ngày càng suy yếu kể từ sau 1972. Ông bị đột quỵ vào năm 1976,[103] bị cao huyết áp và nhiễm trùng tai, gây ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng. Ngày 7 tháng 2 năm 1979, trong chuyến thăm hai người bạn là Wolfram và Liselotte Bossert ở khu nghỉ mát ven biển Bertioga, Mengele bị đột quỵ khi đang bơi và chết đuối.[104] Thi thể của ông được chôn cất tại Embu das Artes dưới cái tên "Wolfgang Gerhard" – theo tên trên giấy tờ tùy thân mà Mengele sử dụng kể từ năm 1971.[105] Các bí danh khác được Mengele sử dụng kể từ khi bắt đầu cuộc sống chui lủi gồm có "Tiến sĩ Fausto Rindón" và "S. Josi Alvers Aspiazu".[106]
Khai quật hài cốt
[sửa | sửa mã nguồn]Cũng vào thời điểm này, khắp nơi thế giới xuất hiện báo cáo rằng đã nhìn thấy Mengele. Wiesenthal tuyên bố rằng ông nhận được tin tình báo xác định vị trí của Mengele trên đảo Kythnos của Hy Lạp năm 1960,[107] Cairo năm 1961,[108] Tây Ban Nha năm 1971,[109] và ở Paraguay năm 1978 – mười tám năm sau khi ông rời nước này.[110] Lần cuối cùng Wiesenthal khẳng định rằng Mengele vẫn còn sống là 1985, tức sáu năm sau khi ông qua đời. Trước đó vào năm 1982, Wiesenthal từng treo thưởng US$100.000 (tương đương $300.000 năm 2022) cho ai bắt được Mengele.[111] Sự quan tâm của công chúng thế giới dành cho Mengele tăng lên đột biến sau khi một phiên tòa xét xử vắng mặt công khai được tổ chức tại Jerusalem vào tháng 2 năm 1985, thu thập lời khai của hơn một trăm nạn nhân các cuộc thí nghiệm của Mengele. Ngay sau đó, chính phủ ba nước Tây Đức, Israel và Hoa Kỳ đã phối hợp tiến hành điều tra nhằm khoanh vùng nơi ở của Mengele. Chính phủ Tây Đức và Israel lẫn nhật báo The Washington Times và Trung tâm Simon Wiesenthal đều treo thưởng cho những ai bắt giữ được vị bác sĩ này.[112]
Ngày 31 tháng 5 năm 1985, dựa trên thông tin tình báo do văn phòng công tố viên Tây Đức nhận được, cảnh sát tiến hành đột kích nhà của Hans Sedlmeier, một người bạn lâu năm của Mengele và là giám đốc bán hàng của công ty Karl Mengele & Söhne ở Günzburg.[113] Cơ quan chức năng tìm thấy một cuốn sổ địa chỉ đã mã hóa và các bản sao của các bức thư được mà Mengele từng gửi và nhận. Trong số các chứng cứ thu thập được có một là thư của Wolfram Bossert gửi cho Sedlmeier thông báo về cái chết của Mengele.[114] Các nhà chức trách Đức ngay sau đó đã liên hệ với Sở Cảnh sát São Paulo. Sau khi bị tra khảo, Bosserts cuối cùng cũng chịu khai báo vị trí mộ phần của "Wolfgang Gerhard".[115] Bộ hài cốt trong mộ được khai quật vào ngày 6 tháng 6 năm 1985. Kết quả giám định pháp y cho thấy hài cốt trên khả năng cao là của đối tượng cần tìm.[116] Ngày 10 tháng 6, Rolf Mengele xác nhận rằng đây chính là hài cốt của Josef Mengele và thừa nhận đã che giấu tin tức về cái chết nhằm bảo vệ những người giúp đỡ cha mình trong quá trình trốn chạy.[117]
Năm 1992, danh tính của Mengele chính thức được xác nhận bằng phương pháp xét nghiệm ADN.[118] Do gia quyến từ chối đưa về Đức,[119] hài cốt Megele được lưu trữ tại Viện Pháp y São Paulo và được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ giáo dục trong các khóa học pháp y tại Trường Y khoa Đại học São Paulo.[120]
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Aribert Heim
- Carl Clauberg
- Grigory Mairanovsky
- Kurt Blome
- Thuyết ưu sinh ở Đức Quốc Xã
- Ishii Shiro
- The Boys from Brazil (tiểu thuyết)
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Những người mới đến được cho là có khả năng làm việc sẽ được nhận vào trong trại, còn những người bị coi là không phù hợp để lao động sẽ bị hành quyết ngay lập tức trong các phòng hơi ngạt.
- ^ Gebirgsjäger: Bộ binh hạng nhẹ
- ^ Tên bản địa tiếng Đức: Kaiser-Wilhelm-Institut für Anthropologie, menschliche Erblehre und Eugenik
- ^ 85% người Do Thái Hungary bị bắt đến Auschwitz vào giữa năm 1944 đều bị giết ngay lập tức.[31]
- ^ Dựa trên những ghi chép trong nhật ký của Mengele và các cuộc phỏng vấn với bạn bè ông ta, các sử gia như Gerald Posner và Gerald Astor cho rằng Mengele có quan hệ tình ái với Gitta Stammer.[99][100]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b Levy 2006, tr. 242.
- ^ a b c USHMM: Josef Mengele.
- ^ a b c d e Kubica 1998, tr. 320.
- ^ a b c Astor 1985, tr. 102.
- ^ Astor 1985, tr. 12.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 4–5.
- ^ a b Zofka 1986, tr. 249.
- ^ Zofka 1986, tr. 250.
- ^ Zofka 1986, tr. 248.
- ^ Keller 2003, tr. 73–75.
- ^ Völklein 1999, tr. 33–52.
- ^ Völklein 1999, tr. 77–79.
- ^ a b c d e Kubica 1998, tr. 318.
- ^ Kershaw 2008, tr. 81.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 8, 10.
- ^ Völklein 1999, tr. 53–69.
- ^ Benzenhöfer 2011, tr. 228.
- ^ Allison 2011, tr. 52.
- ^ Levy 2006, tr. 234 (ghi chú).
- ^ a b Lifton 1986, tr. 340.
- ^ Longerich 2010, tr. 132.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 16.
- ^ Kubica 1998, tr. 318–319.
- ^ a b c Kubica 1998, tr. 319.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 16–18.
- ^ Astor 1985, tr. 27.
- ^ Longerich 2010, tr. 282–283.
- ^ Steinbacher 2005, tr. 94, 96.
- ^ Steinbacher 2005, tr. 104–105.
- ^ Rees 2005, tr. 100.
- ^ Steinbacher 2005, tr. 109.
- ^ Levy 2006, tr. 235–237.
- ^ Astor 1985, tr. 80.
- ^ a b Allison 2011, tr. 53.
- ^ a b c Lifton 1985.
- ^ Astor 1985, tr. 78.
- ^ Levy 2006, tr. 248–249.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 29.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 27.
- ^ Piper 1998, tr. 170, 172.
- ^ Kubica 1998, tr. 328–329.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 33.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 33–34.
- ^ Steinbacher 2005, tr. 114.
- ^ Lifton 1986, tr. 358–359.
- ^ Nyiszli 2011, tr. 57.
- ^ Kubica 1998, tr. 320–321.
- ^ Lagnado & Dekel 1991, tr. 9.
- ^ Lifton 1986, tr. 341.
- ^ Lifton 1986, tr. 376–377.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 48.
- ^ Lifton 1985, tr. 337.
- ^ Lifton 1986, tr. 350.
- ^ a b Posner & Ware 1986, tr. 37.
- ^ Lifton 1986, tr. 351.
- ^ Lifton 1986, tr. 347, 353.
- ^ Lifton 1986, tr. 362.
- ^ Lifton 1986, tr. 360.
- ^ Brozan 1982.
- ^ Lee 1996, tr. 85.
- ^ Schult 2009.
- ^ Mozes-Kor 1992, tr. 57.
- ^ a b Levy 2006, tr. 255.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 57.
- ^ Steinbacher 2005, tr. 128.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 63.
- ^ a b Posner & Ware 1986, tr. 63, 68.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 68, 88.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 87.
- ^ Levy 2006, tr. 263.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 88,108.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 95.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 104–105.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 107–108.
- ^ Nash 1992.
- ^ a b Levy 2006, tr. 267.
- ^ Astor 1985, tr. 166.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 2.
- ^ Astor 1985, tr. 167.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 111.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 112.
- ^ Levy 2006, tr. 269–270.
- ^ a b Levy 2006, tr. 273.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 76, 82.
- ^ Levy 2006, tr. 261.
- ^ Levy 2006, tr. 271.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 121.
- ^ Levy 2006, tr. 269–270, 272.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 139.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 142–143.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 162.
- ^ Levy 2006, tr. 280, 282.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 168.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 166–167.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 184–186.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 184, 187–188.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 223.
- ^ Levy 2006, tr. 289.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 178–179.
- ^ Astor 1985, tr. 224.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 242–243.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 2, 279.
- ^ Levy 2006, tr. 289, 291.
- ^ Levy 2006, tr. 294–295.
- ^ Blumenthal 1985, tr. 1.
- ^ Zentner & Bedürftig 1991, tr. 586.
- ^ Segev 2010, tr. 167.
- ^ Walters 2009, tr. 317.
- ^ Walters 2009, tr. 370.
- ^ Levy 2006, tr. 296.
- ^ Levy 2006, tr. 297, 301.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 306–308.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 89, 313.
- ^ Levy 2006, tr. 302.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 315, 317.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 319–321.
- ^ Posner & Ware 1986, tr. 322.
- ^ Saad 2005.
- ^ Simons 1988.
- ^ The Guardian 2017.
Thư mục
[sửa | sửa mã nguồn]- Aderet, Ofer (ngày 22 tháng 7 năm 2011). “Ultra-Orthodox man buys diaries of Nazi doctor Mengele for $245,000”. Haaretz. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2020.
- Allison, Kirk C. (2011). “Eugenics, race hygiene, and the Holocaust: Antecedents and consolidations”. Trong Friedman, Jonathan C (biên tập). Routledge History of the Holocaust. Milton Park; New York: Taylor & Francis. tr. 45–58. ISBN 978-0-415-77956-2.
- Astor, Gerald (1985). Last Nazi: Life and Times of Dr Joseph Mengele. New York: Donald I. Fine. ISBN 978-0-917657-46-7.
- Blumenthal, Ralph (ngày 22 tháng 7 năm 1985). “Scientists Decide Brazil Skeleton Is Josef Mengele”. The New York Times. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2014.
- Brozan, Nadine (ngày 15 tháng 11 năm 1982). “Out of Death, a Zest for Life”. The New York Times.
- Evans, Richard J. (2008). The Third Reich at War. New York: Penguin. ISBN 978-0-14-311671-4.
- Hier, Marvin (2010). “Wiesenthal Center Praises Acquisition of Mengele's Diary”. Simpn Wiesenthal Center. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2014.
- Keller, Sven (2003). Günzburg und der Fall Josef Mengele: die Heimatstadt und die Jagd nach dem NS-Verbrecher (bằng tiếng Đức). Oldenbourg. ISBN 978-3-486-64587-3.
- Kershaw, Ian (2008). Hitler: A Biography. New York: W. W. Norton & Company. ISBN 978-0-393-06757-6.
- Kubica, Helena (1998) [1994]. “The Crimes of Josef Mengele”. Trong Gutman, Yisrael; Berenbaum, Michael (biên tập). Anatomy of the Auschwitz Death Camp. Bloomington, Indiana: Indiana University Press. tr. 317–337. ISBN 978-0-253-20884-2.
- Lagnado, Lucette Matalon; Dekel, Sheila Cohn (1991). Children of the Flames: Dr Josef Mengele and the Untold Story of the Twins of Auschwitz. New York: William Morrow. ISBN 978-0-688-09695-3.
- Lee, Stephen J. (1996). Weimar and Nazi Germany. Oxford: Heinemann Educational. ISBN 0-435-30920-X.
- Levy, Alan (2006) [1993]. Nazi Hunter: The Wiesenthal File (ấn bản thứ 2002). London: Constable & Robinson. ISBN 978-1-84119-607-7.
- Lifton, Robert Jay (ngày 21 tháng 7 năm 1985). “What Made This Man? Mengele”. The New York Times. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2014.
- Lifton, Robert Jay (1986). The Nazi Doctors: Medical Killing and the Psychology of Genocide. New York: Basic Books. ISBN 978-0-465-04905-9.
- Longerich, Peter (2010). Holocaust: The Nazi Persecution and Murder of the Jews. Oxford; New York: Oxford University Press. ISBN 978-0-19-280436-5.
- Mozes-Kor, Eva (1992). “Mengele Twins and Human Experimentation: A Personal Account”. Trong Annas, George J.; Grodin, Michael A. (biên tập). The Nazi Doctors and the Nuremberg Code: Human Rights in Human Experimentation. New York: Oxford University Press. tr. 53–59. ISBN 978-0-19-510106-5.
- Nash, Nathaniel C. (ngày 11 tháng 2 năm 1992). “Mengele an Abortionist, Argentine Files Suggest”. The New York Times. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2014.
- Nyiszli, Miklós (2011) [1960]. Auschwitz: A Doctor's Eyewitness Account. New York: Arcade Publishing. ISBN 978-1-61145-011-8.
- Oster, Marcy (ngày 3 tháng 2 năm 2010). “Survivor's grandson buys Mengele diary”. Jewish Telegraphic Agency. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2014.
- Piper, Franciszek (1998) [1994]. “Gas Chambers and Crematoria”. Trong Gutman, Yisrael; Berenbaum, Michael (biên tập). Anatomy of the Auschwitz Death Camp. Bloomington, Indiana: Indiana University Press. tr. 157–182. ISBN 978-0-253-20884-2.
- Posner, Gerald L.; Ware, John (1986). Mengele: The Complete Story. New York: McGraw-Hill. ISBN 978-0-07-050598-8.
- Rees, Laurence (2005). Auschwitz: A New History. New York: Public Affairs. ISBN 978-1-58648-303-6.
- Saad, Rana (ngày 1 tháng 4 năm 2005). “Discovery, development, and current applications of DNA identity testing”. Baylor University Medical Center Proceedings. 18 (2): 130–133. doi:10.1080/08998280.2005.11928051. PMC 1200713. PMID 16200161.
- Schult, Christoph (ngày 12 tháng 10 năm 2009). “Why One Auschwitz Survivor Avoided Doctors for 65 Years”. Spiegel International. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2020.
- Segev, Tom (2010). Simon Wiesenthal: The Life and Legends. New York: Doubleday. ISBN 978-0-385-51946-5.
- Simons, Marlise (ngày 17 tháng 3 năm 1988). “Remains of Mengele Rest Uneasily in Brazil”. The New York Times. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2014.
- Staff (2009). “Josef Mengele”. United States Holocaust Memorial Museum. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2019.
- Staff (ngày 11 tháng 1 năm 2017). “Nazi doctor Josef Mengele's bones used in Brazil forensic medicine courses”. The Guardian. Associated Press. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2019.
- Staff (2007). “SS Auschwitz album”. United States Holocaust Memorial Museum. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2019.
- Steinbacher, Sybille (2005) [2004]. Auschwitz: A History. Munich: Verlag C. H. Beck. ISBN 978-0-06-082581-2.
- Völklein, Ulrich (1999). Günzburg und der Fall Josef Mengele (bằng tiếng Đức). Göttingen: Steidl. ISBN 3-88243-685-9.
- Walters, Guy (2009). Hunting Evil: The Nazi War Criminals Who Escaped and the Quest to Bring Them to Justice. New York: Broadway Books. ISBN 978-0-7679-2873-1.
- Weindling, Paul (2002). “The Ethical Legacy of Nazi Medical War Crimes: Origins, Human Experiments, and International Justice”. Trong Burley, Justine; Harris, John (biên tập). A Companion to Genethics. Blackwell Companions to Philosophy. Malden, MA; Oxford: Blackwell. tr. 53–69. doi:10.1002/9780470756423.ch5. ISBN 978-0-631-20698-9.
- Zentner, Christian; Bedürftig, Friedemann (1991). The Encyclopedia of the Third Reich. New York: Macmillan. ISBN 978-0-02-897502-3.
- Zofka, Zdenek (tháng 4 năm 1986). Vierteljahrshefte Fur Zeitgeschichte (PDF) (bằng tiếng Đức). 34. tr. 245–267. ISSN 0042-5702. PMID 15812976.
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Guez, Olivier (tháng 12 năm 2019). Cuộc trốn chạy của Josef Mengele. Hoàng Mai Anh dịch. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội nhà văn. ISBN 978-604-977-844-5.
- Harel, Isser (1975). The House on Garibaldi Street: the First Full Account of the Capture of Adolf Eichmann (bằng tiếng Anh). New York: Viking Press. ISBN 978-0-670-38028-2.
- Levin, Ira (1991). The Boys from Brazil (bằng tiếng Anh). London: Bantam. ISBN 978-0-553-29004-2.
- Lieberman, Herbert A. (1978). The Climate of Hell (bằng tiếng Anh). New York: Simon and Schuster. ISBN 978-0-671-82236-1.
- Wharam, Philip (2015). Right to Live: an historical novel based on Mengele's life between 1945 and 1963 (bằng tiếng Anh). London: Lynfa Publishing. ISBN 9781508488996.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Tiếng Việt
- Cao Trí (ngày 6 tháng 10 năm 2017). “Số phận của con trai "bác sĩ tử thần" Josef Mengele”. An ninh thế giới. Công an nhân dân điện tử.
- Duy Hùng (ngày 5 tháng 9 năm 2012). “Vì sao Josef Mengele mang danh "bác sĩ tử thần"?”. Báo Công an TP Đà Nẵng.
- Hải Anh (ngày 29 tháng 1 năm 2015). “'Bác sĩ tử thần' của Đức Quốc xã và thí nghiệm trẻ song sinh”. ZingNews.
- Tiếng Anh
- Belnap, David F. (ngày 10 tháng 8 năm 1979). “Mengele Hunt Focuses on Paraguay”. Los Angeles Times.
- Breitman, Richard (tháng 4 năm 2001). “Historical Analysis of 20 Name Files from CIA Records”. US National Archives.
- Papanayotou, Vivi (ngày 18 tháng 9 năm 2005). “Skeletons in the Closet of German Science”. Deutsche Welle.
- Posner, Gerald; Ware, John (ngày 18 tháng 5 năm 1986). “How Nazi war criminal Josef Mengele cheated justice for 34 years”. Chicago Tribune Magazine. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2020.
- Siegert, Alice (ngày 30 tháng 6 năm 1985). “His secret out, Rolf Mengele talks about his father”. Chicago Tribune Magazine.
- Văn phòng Điều tra Đặc biệt, Phòng Hình sự (tháng 10 năm 1992). “In the Matter of Josef Mengele: A Report to the Attorney General of the United States” (PDF). Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
- Tiếng Đức
- Dehoust, Johan (ngày 7 tháng 12 năm 2012). “Roman über KZ Arzt Mengele: Lucia Puenzos Wakolda”. Der Spiegel.
- Leisten, Georg (ngày 27 tháng 8 năm 2018). “Konstanz: Ein Todesengel auf der Flucht: Was wurde aus KZ-Arzt Josef Mengele?”. Südkurier. Konstanz.
- Jacek, Lepiarz; Agnieszka, Maj (ngày 26 tháng 1 năm 2020). “Mengele: Arzt aus Günzburg, "Todesengel" in Auschwitz | DW | 26.01.2020”. Deutsche Welle.
- Schymura, Yvonne (ngày 9 tháng 3 năm 2016). “NS-Ärzte: Experimente an KZ-Insassen”. Der Spiegel.
- Bergmann, Ronen (ngày 7 tháng 9 năm 2017). “Auschwitz-Arzt: Mengeles Glück”. Die Zeit.