Triết học
Một phần của loạt bài về |
Triết học |
---|
Cổng thông tin Triết học |
Triết học (tiếng Trung: 哲學; bính âm: zhé xué; tiếng Anh: philosophy) là một ngành nghiên cứu có hệ thống về những vấn đề cơ bản và tổng quát liên quan đến các chủ đề như hiện sinh, lý trí, tri thức, giá trị quan, tâm trí và ngôn ngữ. Đây là một sự tra vấn lý tính và phê phán nhằm suy ngẫm về các phương pháp và giả thuyết của chính nó.
Trong lịch sử, nhiều ngành khoa học như vật lý học và tâm lý học từng là bộ phận của triết học, nhưng ngày nay được xem như là những môn học thuật riêng biệt theo cách hiểu hiện đại của thuật ngữ. Một số nền văn minh triết học có tầm ảnh hưởng trong lịch sử gồm triết học phương Tây, Hồi giáo, Ấn Độ và Trung Quốc. Triết học phương Tây bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại và có nội dung bao hàm nhiều lĩnh vực. Triết học Hồi giáo có chủ đề trọng tâm là mối quan hệ giữa lý trí và khải thị. Triết học Ấn Độ kết hợp luận đề tâm linh về cách thức đạt đến giác ngộ với sự khám phá bản chất thực tại và các phương thức để tiến tới tri thức. Triết học Trung Quốc tập trung chủ yếu vào những vấn đề thực tiễn liên quan đến cư xử xã hội đúng mực, sự cai trị và tu thân.
Các nhánh quan trọng của triết học là tri thức luận, luân lý học, logic và siêu hình học. Tri thức luận nghiên cứu về bản chất của tri thức và cách thức để có được tri thức. Luân lý học tìm hiểu các nguyên lý đạo đức và những gì cấu thành nên cư xử đúng mực. Logic là nghiên cứu về lập luận đúng đắn, khám phá khả năng phân biệt giữa luận cứ tốt hay xấu. Siêu hình học xem xét những đặc điểm chung nhất của thực tế, hiện sinh, khách thể và tính chất. Các lĩnh vực con khác trong triết học gồm mỹ học, triết học ngôn ngữ, triết học tinh thần, triết học tôn giáo, triết học khoa học, triết học toán học, triết học lịch sử và triết học chính trị. Trong mỗi lĩnh vực này có các trường phái triết học cạnh tranh quảng bá những nguyên lý, lý thuyết hoặc phương pháp khác nhau.
Các triết gia sử dụng đa dạng nhiều phương pháp để tiếp cận tri thức triết học như phân tích khái niệm, dựa vào lẽ thường và trực giác, ứng dụng thí nghiệm tưởng tượng, phân tích với ngôn ngữ thông thường, mô tả kinh nghiệm và đặt câu hỏi phản biện. Triết học có liên hệ với nhiều lĩnh vực như khoa học, toán học, kinh doanh, luật pháp và báo chí. Ngành này cung cấp một góc nhìn liên ngành, nghiên cứu phạm vi và những khái niệm cơ bản cùng các phương pháp và hệ quả đạo đức của các lĩnh vực nói trên.
Từ nguyên
Tiếng Việt
Thuật ngữ triết học trong tiếng Việt là cách đọc Hán-Việt của hai chữ 哲學 trong Hán văn, nghĩa đen là "sự học (學) về trí tuệ (哲)".[2] Tuy vậy, thuật ngữ này không bắt nguồn từ Trung Hoa tự cổ mà chỉ mới được đề xướng bởi nhà bác học người Nhật Nishi Amane (1829–1897) vào những năm 1860. Trong thời gian lưu học ở Hà Lan, Nishi đã dùng ba chữ Hán 希哲學 (kitetsugaku (hy triết học)), nghĩa đen là "sự học (學) về sự mến mộ (希) đối với trí tuệ (哲)", để dịch chữ philosophia của phương Tây sang tiếng Nhật. Tuy nhiên, sau một thời gian suy nghĩ lại, ông quyết định bỏ chữ 希, chỉ dùng hai chữ 哲學 (tetsugaku (triết học)) muộn nhất kể từ năm 1867. Hai chữ này về sau du nhập sang Trung Hoa thông qua các khóa Tây học tại Đại học Tokyo, cũng như thông qua các tác phẩm Hán ngữ liên quan, chẳng hạn như cuốn Nhật Bản quốc chí (日本國志) do sứ thần nhà Thanh ở Nhật là Hoàng Tuân Hiến (黃遵憲; 1848–1905) biên soạn.[3]
Tiếng Anh
Thuật ngữ philosophy 'triết học' trong tiếng Anh bắt nguồn từ chữ φιλοσοφία (philosophia) có nghĩa là 'tình yêu đối với sự thông thái', ghép từ hai chữ φίλος (philos) 'tình yêu' và σοφία (sophia) 'sự thông thái' trong tiếng Hy Lạp cổ đại.[4][a] Một số tác giả cho rằng người khởi xướng thuật ngữ này là triết gia thời kỳ tiền Sokrates Pythagoras, nhưng điều này chưa được xác đáng.[6]
Từ này được du nhập vào tiếng Anh chủ yếu thông qua hai nguồn là tiếng Pháp cổ đại và tiếng Anglo-Norman từ khoảng năm 1175. Bản thân chữ philosophie của tiếng Pháp được vay mượn từ chữ philosophia của tiếng Latinh. Thuật ngữ philosophy mang ý nghĩa "nghiên cứu chuyên sâu về các đối tượng mang tính suy đoán (logic, đạo đức, vật lý học và siêu hình học)", "trí tuệ sâu rộng bao gồm tình yêu sự thật và lối sống đạo đức", "sự học hỏi uyên thâm được truyền lại bởi các tác giả cổ đại", và "nghiên cứu về bản chất cơ bản của tri thức, thực tế và hiện sinh (existence), cũng như những giới hạn cơ bản của sự hiểu biết của con người".[7]
Trước thời hiện đại, thuật ngữ philosophy từng được dùng theo nghĩa rộng. Nó bao gồm hầu hết loại hình tra vấn lý tính, ví dụ như các lĩnh vực khoa học, dưới hình thức môn học con.[8] Chẳng hạn, triết học tự nhiên từng là một bộ phận quan trọng của triết học.[9] Bộ phận này bao hàm một loạt lĩnh vực, trong đó có các bộ môn như vật lý, hóa học và sinh học.[10] Một ví dụ về cách dùng như trên là tác phẩm Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên của Isaac Newton năm 1687. Cuốn sách này nhắc đến triết học tự nhiên trong tiêu đề nhưng ngày nay được xem là một đầu sách của vật lý học.[11]
Ý nghĩa của từ philosophy có sự thay đổi về cuối thời hiện đại khi nó mang nghĩa hẹp hơn như được dùng phổ biến hiện nay. Theo cách hiểu mới, thuật ngữ chủ yếu gắn liền với các phân môn mang tính triết học như siêu hình học, nhận thức luận và đạo đức; bao gồm nghiên cứu lý tính về thực tế, tri thức và giá trị cùng các chủ đề khác. Nó được tách bạch với các bộ môn tra vấn lý tính khác như khoa học thực nghiệm và toán học.[12]
Các khái niệm của triết học
Khái niệm chung
Thực tiễn của triết học được đặc trưng bởi một số đặc điểm chung: đó là một hình thức tra vấn lý tính, hướng đến sự hệ thống hóa, và thường xuyên phản tư phê phán về chính các phương pháp và tiền đề của nó.[13] Triết học đòi hỏi sự suy tư chín chắn, lâu dài và sâu sắc về những vấn đề gây tranh cãi, khó giải quyết nhưng mang tính lâu bền, vốn gắn liền với bản chất và thân phận con người.[14]
Mưu cầu triết lý về sự thông thái đòi hỏi phải đặt ra những vấn đề mang tính tổng quát và cơ bản. Hành động này thường không đưa đến những câu trả lời thẳng thắn nhưng có thể giúp một người hiểu sâu hơn về chủ đề, suy xét cuộc đời, xua tan mọi rối rắm và vượt qua những định kiến hay quan niệm tự dối mình gắn liền với lẽ thường.[15] Chẳng hạn, Sokrates phát biểu rằng "một đời không tự vấn là một đời không đáng sống" để làm nổi bật vai trò của tra vấn triết học trong việc hiểu biết sự tồn tại của chính mình.[16][17] Và theo Bertrand Russell, "người không có chút kiến thức triết học sẽ sống cuộc đời bị giam cầm trong những định kiến bắt nguồn từ lẽ thường, từ những niềm tin thông thường của thời đại mình hoặc quốc gia mình, và từ những nhận thức đã lớn lên trong tâm trí bản thân mà không có sự cộng tác hoặc ưng thuận từ lý trí chủ tâm của người đó".[18]
Định nghĩa học thuật
Những nỗ lực đưa ra định nghĩa chính xác hơn về triết học đều gây tranh cãi[19] và được nghiên cứu trong siêu triết học (metaphilosophy).[20] Một số cách tiếp cận cho rằng tồn tại một vài đặc điểm mà tất cả các bộ phận của triết học đều có, còn số khác chỉ nhìn nhận những điểm tương đồng dòng dõi yếu hơn hoặc xem đây là một thuật ngữ trống rỗng.[21] Các định nghĩa chính xác thường chỉ được chấp nhận bởi những nhà lý thuyết thuộc một trường phái nhất định, và theo Søren Overgaard cùng cộng sự thì chúng có tính xét lại ở chỗ nhiều phần vốn được cho là của triết học sẽ không xứng đáng với cái tên "triết học" nếu chúng là đúng.[22]
Một số định nghĩa mô tả đặc điểm triết học trên quan hệ với phương pháp của nó, ví dụ như lập luận thuần túy. Số khác tập trung vào mặt chủ thể, chẳng hạn như nghiên cứu về các quy luật quan trọng nhất của toàn thể thế giới hoặc cố gắng trả lời những câu hỏi lớn.[23] Hướng tiếp cận như vậy được Immanuel Kant theo đuổi, khi ông tin rằng nhiệm vụ của triết học được hợp nhất bằng bốn câu hỏi: "Tôi có thể biết gì?"; "Tôi phải làm gì?"; "Tôi được phép hy vọng gì?"; và "Con người là gì?"[24] Cả hai hướng đi trên đều gặp phải vấn đề rằng chúng quá rộng do bao hàm cả những bộ môn phi triết học, hoặc quá hẹp do bỏ qua một số phân môn mang tính triết lý.[25]
Nhiều định nghĩa về triết học nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa nó và khoa học.[26] Theo đó, triết học đôi khi được xem là một ngành khoa học đúng nghĩa. Theo một số nhà triết học tự nhiên như W. V. O. Quine, triết học là một ngành khoa học thực nghiệm mà trừu tượng, quan tâm đến các mô hình thực nghiệm trên phạm vi rộng thay vì những quan sát cụ thể.[27] Các cách định nghĩa dựa vào khoa học thường gặp khó khăn khi giải thích vì sao triết học trong suốt quá trình lịch sử lâu dài vẫn chưa phát triển ở cùng mức độ hoặc cùng cách thức với các ngành khoa học.[28] Vấn đề đó được tránh xa bằng việc coi triết học là một ngành khoa học sơ khai hoặc lâm thời mà các phân môn trong đó không còn là triết học nữa một khi chúng đã được phát triển hoàn toàn.[29] Theo cách hiểu này, triết học có khi được gọi là "bà đỡ của các ngành khoa học".[30]
Các định nghĩa khác tập trung vào sự tương phản giữa khoa học và triết học. Một chủ đề xuyên suốt trong nhiều khái niệm như vậy là việc triết học quan tâm đến nghĩa (meaning), thông hiểu (understanding) hoặc sự xác minh của ngôn ngữ.[31] Theo một góc nhìn, triết học là phân tích khái niệm (conceptual analysis), bao gồm đi tìm điều kiện cần và đủ để áp dụng các khái niệm.[32] Một cách định nghĩa khác xem triết học là tư duy của tư duy để nhấn mạnh bản chất phản tỉnh, tự phê phán của nó.[33] Một hướng đi khác nữa mô tả triết học như là một liệu pháp ngôn ngữ học. Chẳng hạn, theo Ludwig Wittgenstein, triết học nhắm đến xóa bỏ những hiểu lầm mà con người dễ mắc phải do cấu trúc khó hiểu của ngôn ngữ thông thường.[34]
Các nhà hiện tượng học như Edmund Husserl nhận định triết học là một "ngành khoa học nghiêm ngặt" nghiên cứu về yếu tính (essence).[35] Họ thực hành việc đình chỉ triệt để những thừa nhận lý thuyết về thực tế để quay trở lại với "bản thân sự vật", như được đưa ra ban đầu trong kinh nghiệm. Họ cho rằng mức độ kinh nghiệm cơ bản này cung cấp nền tảng cho tri thức lý thuyết bậc cao hơn, và người ta cần hiểu cái cơ bản để hiểu cái nâng cao.[36]
Một hướng tiếp cận có trong triết học Hy Lạp cổ đại và La Mã xem triết học là thực hành tinh thần nhằm phát triển năng lực lý tính của con người.[37] Thực hành này là một thể hiện về tình yêu đối với sự thông thái của triết gia và nhằm mục đích trau dồi sự an lạc (well-being) của con người qua việc sống một cuộc đời suy tưởng.[38] Chẳng hạn, những người khắc kỷ coi triết học là một bài tập rèn luyện tâm trí để từ đó đạt tới eudaimonia[b] và hưng thịnh trong cuộc sống.[40]
Lịch sử
Với tư cách một môn học, lịch sử triết học hướng đến trình bày các khái niệm và học thuyết triết học một cách có hệ thống và theo trình tự thời gian.[41] Một số nhà lý thuyết xem đây là một phần của lịch sử trí thức, nhưng mặt khác lịch sử triết học còn nghiên cứu các vấn đề mà lịch sử trí thức chưa bàn tới, chẳng hạn như liệu những lý thuyết của các triết gia trong quá khứ có còn đúng và phù hợp về mặt triết lý hay không.[42] Lịch sử triết học chủ yếu quan tâm đến những lý thuyết dựa trên tra vấn lý tính và luận chứng; một số nhà sử học hiểu nó theo nghĩa thoáng hơn, bao hàm cả thần thoại, giáo lý tôn giáo và truyền thuyết tục ngữ.[43]
Các nền văn hóa có tầm ảnh hưởng trong lịch sử triết học gồm triết học phương Tây, Ả Rập – Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc. Một số truyền thống triết học khác bao gồm triết học Nhật Bản, Mỹ Latinh và châu Phi.[44]
Phương Tây
Triết học phương Tây khởi nguồn từ Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ 6 TCN với thế hệ tiền Sokrates, những người đã cố gắng đưa ra giải thích lý tính về toàn bộ hệ vũ trụ.[46] Nền triết học theo sau họ được định hình bởi Sokrates (469–399 TCN), Platon (427–347 TCN) và Aristoteles (384–322 TCN). Những triết gia này đã mở rộng phạm vi chủ đề đến các câu hỏi như con người nên hành động như thế nào, làm sao để tiến đến tri thức, và đâu là bản tính của thực tế và tâm trí.[47] Thời cổ đại về sau đánh dấu sự xuất hiện của các phong trào triết học như chủ nghĩa Epicurus, chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa tân Platon.[48] Giai đoạn Trung Cổ, bắt đầu từ thế kỷ 5 CN, tập trung vào các chủ đề tôn giáo và nhiều nhà tư tưởng đã vận dụng triết học cổ đại để giải thích và trau chuốt thêm nữa các học thuyết Kitô giáo.[49][50]
Thời Phục Hưng khởi đầu vào thế kỷ 14 và chứng kiến sự quan tâm mới đến các trường phái triết học cổ đại, đặc biệt là chủ nghĩa Platon. Chủ nghĩa nhân văn cũng hình thành trong giai đoạn này.[51] Thời kỳ hiện đại bắt đầu vào thế kỷ 17, với một trong những vấn đề quan tâm chủ yếu là cách tạo ra tri thức triết học và khoa học. Vai trò của lý tính và kinh nghiệm giác quan lúc bấy giờ có tầm quan trọng đặc biệt.[52] Nhiều trong số các sáng kiến này đã được áp dụng trong phong trào Khai Sáng nhằm khước từ quyền thế truyền thống.[53] Một số nỗ lực nhằm phát triển các hệ thống triết học toàn diện đã được thực hiện vào thế kỷ 19 bởi chủ nghĩa duy tâm Đức và chủ nghĩa Marx, chẳng hạn.[54] Những bước phát triển có tầm ảnh hưởng của triết học thế kỷ 20 là sự ra đời và ứng dụng của logic hình thức, sự chú trọng vào vai trò của ngôn ngữ cũng như chủ nghĩa thực dụng, cùng các phong trào trong triết học lục địa (continental philosophy) như hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa hậu cấu trúc (post-structuralism).[55] Thế kỷ 20 chứng kiến sự bành trướng nhanh chóng của triết học học thuật về mặt số lượng xuất bản về triết học và số triết gia làm việc tại các cơ sở học thuật.[56] Số lượng triết gia nữ cũng tăng lên đáng kể, nhưng họ vẫn chưa được đại diện đúng mức.[57]
Ả Rập – Ba Tư
Triết học Ả Rập – Ba Tư ra đời vào đầu thế kỷ 9 CN như một phản ứng trước những nội dung được bàn luận trong truyền thống thần học Hồi giáo. Giai đoạn cổ điển kéo dài đến thế kỷ 12 và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các triết gia Hy Lạp cổ đại. Những tư tưởng của họ được dùng để chi tiết hóa và giải thích lời dạy từ Qur'an.[58]
Al-Kindi (801–873) thường được xem là triết gia đầu tiên của nền triết học này. Ông đã biên dịch và phiên dịch nhiều tác phẩm của Aristoteles và các nhà tân Platon nhằm cố gắng chứng tỏ sự hài hòa giữa lý trí và đức tin.[59] Avicenna (980–1037) cũng đi theo mục tiêu đó và phát triển một hệ thống triết học toàn diện để cung cấp những hiểu biết lý tính về thực tế bao hàm khoa học, tôn giáo và đạo thần bí.[60] Al-Ghazali (1058–1111) là người chỉ trích mạnh mẽ quan niệm rằng lý trí có thể đạt đến sự am hiểu thực sự về thực tại và Chúa. Ông chắp bút một bài phê bình chi tiết về triết học và cố gán cho triết học một vị trí hạn chế hơn bên cạnh những lời dạy của Qur'an và trí tuệ huyền bí.[61] Sau thời Al-Ghazali và cuối thời kỳ cổ điển, sự chi phối của tra vấn triết học bị suy yếu.[62] Mulla Sadra (1571–1636) thường được xem là một trong những triết gia lớn của giai đoạn về sau.[63] Tác động ngày càng mạnh của tư tưởng và thể chế phương Tây trong thế kỷ 19 và 20 dẫn đến sự nảy sinh phong trào trí thức của chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo, vốn nhằm mục đích tìm hiểu mối quan hệ giữa tín ngưỡng Hồi giáo truyền thống và tính hiện đại.[64]
Ấn Độ
Một trong những điểm đặc thù của triết học Ấn Độ là sự tích hợp cuộc khám phá bản chất của thực tế, các phương thức để đạt đến tri thức và câu hỏi tâm linh về việc làm thế nào để tiến tới giác ngộ.[65] Nền triết học này bắt đầu vào khoảng năm 900 TCN khi Kinh Vệ-đà được chắp bút. Đây là những kinh mang tính nền tảng của Ấn Độ giáo và suy ngẫm về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa bản thân (atman) và hiện thực tối cao cũng như câu hỏi về việc linh hồn (jiva) được tái sinh như thế nào dựa vào hành động trong quá khứ.[66] Giai đoạn này cũng chứng kiến sự xuất hiện của các giáo lý phi Vệ-đà như Phật giáo và Kỳ Na giáo.[67] Phật giáo được cho ra đời bởi Gautama Siddhartha (563–483 TCN), người đã không thừa nhận tư tưởng Vệ-đà về bản thân vĩnh cửu và đề ra một con đường để giải phóng chính mình khỏi sự đau khổ.[67] Kỳ Na giáo được sáng lập bởi Mahavira (599–527 TCN), người đã nhấn mạnh sự bất hại và tôn trọng đến mọi dạng sống.[68]
Giai đoạn cổ điển tiếp sau bắt đầu vào khoảng năm 200 TCN[c] và được đặc trưng bởi sự hình thành sáu trường phái Ấn Độ giáo chính thống: Nyāyá, Vaiśeṣika, Sāṃkhya, Yoga, Mīmāṃsā và Vedanta.[70] Trường phái Advaita Vedanta được phát triển về sau trong thời kỳ này. Nó được hệ thống hóa bởi Adi Shankara (khoảng 700–750 CN), người tin rằng tất cả đều là một và cảm giác về vũ trụ gồm nhiều thực thể phân biệt chỉ là ảo ảnh.[71] Ramanuja (1017–1137),[d] người sáng lập trường phái Vishishtadvaita Vedanta, có góc nhìn hơi khác khi ông cho rằng các thực thể riêng biệt là có thật và là bộ phận hoặc một phần của cái thống nhất cơ bản.[73] Ông cũng góp phần đại chúng hóa phong trào Bhakti, vốn rao giảng lòng sùng kính đối với thần thánh như một con đường tâm linh và tồn tại cho đến thế kỷ 17 đến 18.[74] Giai đoạn hiện đại bắt đầu vào khoảng năm 1800 và được định hình bởi sự tiếp xúc với tư tưởng phương Tây.[75] Các triết gia thời kỳ này cố gắng phát triển những hệ thống toàn diện nhằm hài hòa các giáo lý triết học và tôn giáo đa dạng. Chẳng hạn, Svāmī Vivekānanda (1863–1902) vận dụng những lời dạy của Advaita Vedanta để lập luận rằng tất cả các tôn giáo khác nhau đều là con đường hợp lệ đi tới thần thánh độc nhất.[76]
Trung Quốc
Triết học Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh các vấn đề thực tiễn liên quan đến đạo làm người, quản trị xã hội và việc tu thân (修身).[77] Vào thế kỷ 6 TCN, trong bối cảnh chính trị rối ren, nhiều trường phái tư tưởng đã ra đời nhằm tìm kiếm giải pháp cho trật tự xã hội.[78] Trong đó, nổi bật nhất là Nho gia và Đạo gia. Nho gia, do Khổng Tử (551–479 TCN) sáng lập, tập trung vào việc xây dựng các phẩm hạnh đạo đức, khám phá cách những giá trị này có thể đem lại sự hài hòa trong gia đình và xã hội.[79] Đạo gia, do Lão Tử (thế kỷ 6 TCN) sáng lập, đề cao việc sống thuận theo Đạo, tức là trật tự tự nhiên của vũ trụ, để đạt được sự hòa hợp với thiên nhiên và chính mình.[80] Ngoài hai trường phái chính yếu trên, thời kỳ này còn ghi nhận sự xuất hiện của Mặc gia, trường phái đã phát triển một hình thái sơ khai của hệ quả luận vị tha, nhấn mạnh việc hành động vì lợi ích chung.[81] Pháp gia, một trường phái khác, đề cao vai trò của nhà nước mạnh và pháp luật nghiêm minh như nền tảng cho sự ổn định và phát triển xã hội.[82]
Phật giáo du nhập sang Trung Quốc vào thế kỷ 1 CN và được đa dạng hóa thành các loại hình mới.[83] Trường phái huyền học xuất hiện vào thế kỷ 3, làm sáng tỏ các tác phẩm Đạo giáo trước đó với sự nhấn mạnh cụ thể vào những giảng giải siêu hình.[83] Lý học được phát triển vào thế kỷ 11, hệ thống hóa các học thuyết Nho giáo trước đó và tìm kiếm một nền tảng siêu hình của đạo đức.[84] Giai đoạn hiện đại của triết học Trung Quốc bắt đầu vào thế kỷ 20 và được định hình bởi tầm ảnh hưởng và sự phản ứng đối với triết học phương Tây. Sự ra đời của chủ nghĩa Marx Trung Quốc – vốn tập trung vào đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản – dẫn đến chuyển biến sâu sắc về bối cảnh chính trị.[85] Một bước phát triển khác là sự ra đời của chủ nghĩa Nho giáo mới, với mục tiêu hiện đại hóa và xét lại các giáo lý Nho giáo để khám phá sự tương hợp với các lý tưởng dân chủ và khoa học hiện đại.[86]
Các truyền thống khác
Triết học Nhật Bản truyền thống đồng hóa và tổng hợp các quan niệm từ nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có tôn giáo Thần đạo bản địa cùng tư tưởng gốc Trung Quốc và Ấn Độ dưới hình thức Nho giáo và Phật giáo, vốn đều du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ 6 và 7. Việc thực hành nó được đặc trưng bởi sự tương tác tích cực với thực tế thay vì suy xét rảnh rang.[87] Nho giáo mới trở thành một trường phái tư tưởng có ảnh hưởng vào thế kỷ 16 và thời kỳ Edo nối tiếp, thúc đẩy sự tập trung nhiều hơn vào ngôn ngữ và thế giới tự nhiên.[88] Trường phái Kyoto ra đời vào thế kỷ 20, tích hợp tính chất tinh thần phương Đông với triết học phương Tây trong việc khai phá các khái niệm như sự hư vô tuyệt đối (zettai-mu), nơi chốn (basho) và bản thân.[89]
Triết học Mỹ Latinh thời tiền thuộc địa được thực hành bởi những nền văn minh bản xứ và khám phá các vấn đề liên quan đến bản tính của thực tại và vai trò của con người.[90] Nó có những điểm tương đồng với triết học Bắc Mỹ bản địa, vốn bao gồm các đề tài như tính chất liên kết của mọi sự vật.[91] Đến thời thuộc địa bắt đầu từ khoảng năm 1550, triết học Mỹ Latinh bị chi phối bởi triết học tôn giáo dưới hình thức kinh viện. Các chủ đề có ảnh hưởng trong thời hậu thuộc địa là chủ nghĩa thực chứng, triết học giải phóng (philosophy of liberation) và sự tìm tòi bản thể và văn hóa.[92]
Triết học châu Phi thời kỳ đầu, ví dụ như triết học Ubuntu, tập trung vào cộng đồng, đạo lý và quan niệm tổ tiên.[93] Triết học châu Phi có hệ thống xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, bàn về các chủ đề như triết học dân tộc (ethnophilosophy), négritude, chủ nghĩa liên châu Phi (pan-Africanism), chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa hậu thực dân (postcolonialism), vai trò của bản sắc văn hóa và sự phê phán chủ nghĩa trọng Âu.[94]
Các nhánh cốt lõi
Các vấn đề triết học có thể được xếp thành nhiều nhánh. Cách gộp nhóm như vậy cho phép triết gia tập trung vào một tập hợp đề tài gần nhau và tương tác với các nhà tư tưởng khác quan tâm đến chính những vấn đề đó. Tri thức luận, luân lý học, logic và siêu hình học đôi khi được xem là các nhánh chính.[95] Có nhiều lĩnh vực con khác bên trong chúng và các cách phân chia khác nhau đều không mang tính toàn diện, cũng không loại trừ lẫn nhau. Ví dụ, triết học chính trị, luân lý học và mỹ học có khi được liên kết với nhau trong khuôn khổ thuyết giá trị (value theory) do chúng nghiên cứu về các khía cạnh quy phạm (normative) hoặc định lượng.[96] Hơn nữa, tra vấn triết học đôi lúc có sự chồng chéo với các bộ môn khác trong khoa học tự nhiên và xã hội, tôn giáo và toán học.[97]
Tri thức luận
Tri thức luận (hay nhận thức luận) là một nhánh của triết học nghiên cứu về tri thức. Đây còn được gọi là thuyết tri thức và hướng đến am hiểu được tri thức là gì, nó xuất hiện như thế nào, nó có giới hạn gì và nó có giá trị gì. Tri thức luận còn xem xét bản chất của chân lý, niềm tin, biện minh (justification) và lý trí.[98] Một số câu hỏi mà các nhà tri thức luận giải đáp bao gồm "Ta có thể thu được tri thức bằng (các) phương pháp nào?"; "Chân lý được thiết lập bằng cách nào?"; và "Chúng ta có thể chứng minh quan hệ nhân quả hay không?"[99]
Tri thức luận quan tâm chủ yếu đến tri thức mô tả (declarative) hoặc tri thức về sự thật, chẳng hạn như hiểu biết rằng Công nương Diana qua đời năm 1997. Nhưng mặt khác nó còn nghiên cứu về tri thức thực tiễn (practical) như hiểu biết về cách đi một chiếc xe đạp, hay tri thức vì quen biết (by acquaintance) như hiểu biết về đích thân một người nổi tiếng.[100]
Một lĩnh vực có trong tri thức luận là phân tích về tri thức (analysis of knowledge). Nó giả định rằng tri thức mô tả được kết hợp từ nhiều phần khác nhau và cố gắng xác định xem những phần đó là gì. Một thuyết có ảnh hưởng trong lĩnh vực này cho rằng tri thức có ba thành phần: đó là một niềm tin được biện minh và là đúng thật. Đó là thuyết gây tranh cãi và những khó khăn liên quan đến nó được gọi chung là vấn đề Gettier.[101] Các góc nhìn khác nhận định tri thức cần có thêm một số thành phần nữa, như việc thiếu đi sự may mắn; thay thế bằng các thành phần khác như sự biểu thị đức hạnh nhận thức (cognitive virtue) thay vì biện minh; hoặc chúng phủ nhận rằng tri thức có thể được phân tích về mặt các hiện tượng khác.[102]
Một lĩnh vực khác trong tri thức luận tìm hiểu về cách thức để con người thu được tri thức. Các nguồn tri thức thường được nhắc tới bao gồm tri giác, nội quan (introspection), trí nhớ, suy luận và lời chứng.[103] Theo các nhà duy nghiệm, mọi tri thức đều dựa trên một hình thức kinh nghiệm nào đó. Giới duy lý bác bỏ góc nhìn đó và tin rằng một số dạng tri thức, như tri thức bẩm sinh (innate knowledge), không thu được qua kinh nghiệm.[104] Quy thoái (regress) là một vấn đề thường gặp liên quan đến các nguồn tri thức và sự biện minh mà chúng đưa ra. Nó dựa trên cơ sở rằng lòng tin cần có một kiểu lý tính hay bằng chứng nào đó để được biện minh. Vấn đề quy thoái nằm ở chỗ nguồn biện minh có thể cần đến một nguồn biện minh khác, dẫn đến quy thoái vô hạn hoặc lập luận vòng vo (circular reasoning). Các nhà duy bản (foundationalism) tránh kết luận như vậy bằng lý lẽ rằng một số nguồn có thể không cần đến biện minh mà vẫn cho ra được sự biện minh.[105] Một giải pháp khác được nêu ra bởi các nhà cố kết (coherentism), khi họ cho rằng một niềm tin được biện minh nếu nó cố kết với những niềm tin khác của một người.[106]
Nhiều bàn cãi trong tri thức luận đề cập đến chủ nghĩa hoài nghi triết học, vốn đặt ra nghi ngờ về một số hoặc toàn bộ sự mưu cầu tri thức. Những nghi ngờ này lấy cơ sở từ quan niệm rằng tri thức yêu cầu sự chắc chắn tuyệt đối và con người không có khả năng tiếp nhận được nó.[107]
Luân lý học
Luân lý học, còn gọi là đạo đức học hay triết học đạo đức, nghiên cứu về những gì cấu thành nên cư xử đúng mực, đồng thời quan tâm đến định tính đạo đức đối với các đặc điểm tính cách và thiết chế. Luân lý học tìm hiểu xem các tiêu chuẩn của đạo đức là gì và làm thế nào để có một cuộc sống tốt.[109] Đạo đức triết học giải quyết các câu hỏi cơ bản như "Nghĩa vụ đạo đức có tính tương đối hay không?"; "Cái gì được ưu tiên: sự an lạc hay nghĩa vụ?"; và "Điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống?"[110]
Các nhánh chính của luân lý học gồm luân lý học siêu hình, luân lý học chuẩn mực và luân lý học ứng dụng.[111] Luân lý học siêu hình (meta-ethics) đặt ra những vấn đề trừu tượng về tự nhiên và nguồn gốc của đạo đức. Nhánh này phân tích ý nghĩa của các khái niệm đạo đức như hành động đúng đắn và nghĩa vụ (obligation), cũng như nghiên cứu xem các lý thuyết đạo đức có đúng thật theo nghĩa tuyệt đối hay không và làm cách nào để tiếp nhận tri thức về chúng.[112] Luân lý học chuẩn mực (normative ethics) bao gồm các lý thuyết chung về cách phân biệt giữa hành động đúng và sai, hỗ trợ trong chỉ dẫn các quyết định đạo đức qua việc phân tích xem con người có quyền và nghĩa vụ đạo đức nào. Luân lý học ứng dụng (applied ethics) nghiên cứu hệ quả của các lý thuyết chung được phát triển từ luân lý học chuẩn mực trong những tình huống cụ thể, chẳng hạn như tại nơi làm việc hoặc trong chăm sóc y tế.[113]
Trong luân lý học chuẩn mực đương đại, hệ quả luận, đạo nghĩa luận và luân lý học đức hạnh là các trường phái tư tưởng chủ đạo.[114] Những người theo hệ quả luận đánh giá hành động dựa trên hệ quả của chúng. Một góc nhìn tiêu biểu trong đó là chủ nghĩa vị lợi, với lý lẽ rằng mọi hành động cần làm gia tăng hạnh phúc nói chung và giảm bớt đau khổ xuống mức thấp nhất. Các nhà đạo nghĩa luận (deontology) đánh giá hành động dựa trên việc chúng có tuân theo các bổn phận đạo đức hay không, ví dụ như tránh nói dối hoặc giết hại. Theo họ, cái quan trọng là việc những hành động đó phải phù hợp với bổn phận chứ không phải hệ quả mà chúng gây ra. Những nhà lý thuyết đức hạnh (virtue ethics) đánh giá hành động từ cách mà phẩm chất đạo đức của tác nhân được thể hiện. Theo quan điểm này, mọi hành động phải tuân theo những gì mà một tác nhân có đức hạnh lý tưởng sẽ làm qua việc biểu thị những đức tính như rộng lượng (generosity) và trung thực (honesty).[115]
Logic
Logic là nghiên cứu về lập luận đúng đắn, hướng đến hiểu biết cách phân biệt giữa luận cứ tốt hay xấu.[116] Logic thường được chia thành logic hình thức (formal) và logic phi hình thức (informal). Logic hình thức sử dụng ngôn ngữ nhân tạo với biểu diễn ký hiệu rõ ràng để phân tích luận cứ. Trong sự tìm kiếm tiêu chí chính xác, logic hình thức kiểm tra cấu trúc của luận cứ để xác định xem chúng đúng hay sai. Logic phi hình thức sử dụng các tiêu chí và tiêu chuẩn phi hình thức để xác định tính đúng sai của luận cứ, và phụ thuộc vào những yếu tố bổ sung như nội dung hay ngữ cảnh.[117]
Logic phân tích nhiều loại luận cứ khác nhau. Luận cứ suy diễn chủ yếu được nghiên cứu bởi logic hình thức. Một luận cứ được gọi là hợp lệ (valid) suy diễn nếu chân lý của các tiền đề (premise) đảm bảo được chân lý của kết luận. Luận cứ hợp lệ suy diễn tuân theo một quy tắc suy luận (rule of inference), chẳng hạn như modus ponens, vốn có hình thức logic như sau: "p; nếu p thì q; do đó q". Một ví dụ là luận cứ "hôm nay là Chủ Nhật; nếu hôm nay là Chủ Nhật thì tôi không phải đi làm vào hôm nay; do đó tôi không phải đi làm vào hôm nay".[118]
Tiền đề của luận cứ phi suy diễn cũng hỗ trợ cho kết luận, mặc dù việc này không đảm bảo rằng kết luận đó là đúng thật.[119] Một dạng điển hình trong đó là suy luận quy nạp, bắt đầu từ một tập hợp các trường hợp phân biệt và sử dụng khái quát hóa để đi đến một định luật toàn thể bao hàm tất cả các trường hợp. Một ví dụ là suy luận cho rằng "mọi con quạ đều có màu đen" dựa trên quan sát từ nhiều cá thể quạ đen khác nhau.[120] Dạng thứ hai là suy luận giả định (còn gọi là suy luận hồi tố), bắt đầu từ một quan sát và kết luận rằng sự giải thích tốt nhất của quan sát này phải là đúng thật. Việc này xảy ra, chẳng hạn, khi bác sĩ chẩn đoán một căn bệnh dựa vào các triệu chứng thấy được.[121]
Logic còn nghiên cứu về các loại hình lập luận sai lầm. Chúng được gọi là ngụy biện và được chia thành ngụy biện hình thức và ngụy biện phi hình thức dựa vào việc nguồn gốc của sai lầm chỉ nằm ở hình thức của luận cứ hay còn nằm ở nội dung và ngữ cảnh của nó.[122]
Siêu hình học
Siêu hình học là nghiên cứu về những yếu tố chung nhất của thực tế, chẳng hạn như hiện sinh, khách thể (object) và thuộc tính (property) của chúng, toàn thể và thành phần (wholes and parts), không gian và thời gian, sự biến (event), và mối nhân quả.[123] Có nhiều bất đồng về định nghĩa chính tắc của thuật ngữ và nghĩa của nó trải qua sự thay đổi theo thời gian.[124] Các nhà siêu hình học cố gắng trả lời những câu hỏi cơ bản như "Tại sao có cái gì đó thay vì không có gì cả?"; "Thực tế cuối cùng bao gồm những gì?"; và "Con người có tự do hay không?"[125]
Siêu hình học đôi khi được chia thành siêu hình học tổng quát và siêu hình học cụ thể hoặc chuyên biệt. Siêu hình học tổng quát nghiên cứu hữu thể (beings) với tư cách hữu thể, xem xét các yếu tố mà tất cả các thực thể đều có. Siêu hình học cụ thể quan tâm đến các dạng hữu thể khác nhau, các yếu tố mà chúng có, và cách làm cho chúng khác nhau.[126]
Một lĩnh vực quan trọng trong siêu hình học là bản thể luận. Một số nhà lý thuyết đồng nhất nó với siêu hình học tổng quát. Bản thể luận tìm hiểu các khái niệm như hữu thể, sự trở thành (becoming) và thực tế; nghiên cứu các phạm trù của hữu thể và hỏi xem những gì tồn tại ở cấp độ cơ bản nhất.[127] Một lĩnh vực con khác của siêu hình học là vũ trụ học. Vũ trụ học quan tâm đến bản chất của toàn bộ thế giới và đặt ra những câu hỏi như vũ trụ có điểm bắt đầu và kết thúc hay không và nó có được ai khác tạo ra hay không.[128]
Một chủ đề then chốt trong siêu hình học có liên quan đến câu hỏi rằng thực tế có chỉ bao gồm những sự vật hữu hình như vật chất và năng lượng hay không. Các quan điểm phản bác cho rằng thực thể tinh thần (như tâm hồn và kinh nghiệm) và thực thể trừu tượng (như các số) tồn tại tách biệt với sự vật hữu hình. Một chủ đề khác trong siêu hình học liên quan đến vấn đề về bản thể. Một câu hỏi ở đây là hữu thể có thể thay đổi đến đâu mà vẫn là chính hữu thể đó.[129] Theo một góc nhìn, mọi hữu thể có yếu tố cốt yếu (essential) và ngẫu nhiên (accidental). Chúng có thể thay đổi các yếu tố ngẫu nhiên nhưng sẽ không còn là hữu thể như trước nếu mất đi một yếu tố cốt yếu.[130] Một sự phân biệt mang tính trọng tâm trong siêu hình học là giữa cái đặc thù (particulars) và cái phổ quát (universals). Cái phổ quát, ví dụ như màu đỏ, có thể hiện sinh ở nhiều vị trí khác nhau cùng lúc, trong khi cái đặc thù như cá thể người hoặc các vật cụ thể thì không.[131] Một số câu hỏi khác trong siêu hình học bao gồm việc quá khứ có hoàn toàn quyết định hiện tại hay không và điều này có ý nghĩa gì đối với sự tồn tại của ý chí tự do.[132]
Các nhánh chủ đạo khác
Triết học còn bao gồm nhiều lĩnh vực con khác ngoài các nhánh cốt lõi, trong đó nổi bật nhất là mỹ học, triết học ngôn ngữ, triết học tinh thần, triết học tôn giáo, triết học khoa học và triết học chính trị.[133]
Mỹ học (còn gọi là thẩm mỹ) hiểu theo nghĩa triết học là lĩnh vực nghiên cứu về tự nhiên và thưởng thức cái đẹp cùng các thuộc tính thẩm mỹ khác như sự trác tuyệt (sublime).[134] Dù thường được xem như đi đôi với triết học nghệ thuật, nhưng mỹ học là một phạm trù rộng hơn bao hàm các khía cạnh khác của kinh nghiệm, ví dụ như vẻ đẹp tự nhiên.[135] Theo cách hiểu rộng hơn, mỹ học là "suy nghĩ phê phán về nghệ thuật, văn hóa và tự nhiên".[136] Một câu hỏi chủ chốt trong mỹ học là liệu cái đẹp là một yếu tố khách quan của hữu thể hay là một khía cạnh chủ quan của kinh nghiệm.[137] Những triết gia thẩm mỹ còn khảo sát về bản tính của kinh nghiệm và sự đánh giá thẩm mỹ. Một số chủ đề khác trong lĩnh vực này bao gồm bản chất của tác phẩm nghệ thuật và các quá trình liên quan đến việc sáng tạo ra chúng.[138]
Triết học ngôn ngữ nghiên cứu bản chất và chức năng của ngôn ngữ, xem xét các khái niệm về nghĩa, quy chiếu và chân lý. Triết học ngôn ngữ hướng đến trả lời các câu hỏi như từ ngữ quan hệ với sự vật như thế nào và ngôn ngữ tác động đến tư duy và hiểu biết của con người như thế nào. Nhánh này có liên hệ gần gũi với các bộ môn logic và ngôn ngữ học.[139] Triết học ngôn ngữ nổi lên vào đầu thế kỷ 20 trong phạm vi triết học phân tích nhờ các tác phẩm của Frege và Russell. Một trong những đề tài trọng tâm của lĩnh vực này là hiểu biết về cách để các câu có nghĩa. Có hai trường phái lý thuyết chính: những người nhấn mạnh vào điều kiện chân trị của câu[e] và những người khảo sát về ngữ cảnh để xác định khi nào việc sử dụng một câu là phù hợp, trong đó trường phái thứ hai gắn liền với lý thuyết hành động ngôn từ (speech act theory).[141]
Triết học tinh thần nghiên cứu bản chất của các hiện tượng tinh thần và quan hệ giữa chúng với thế giới vật chất.[142] Triết học tinh thần hướng đến hiểu biết các loại trạng thái tinh thần có ý thức và vô thức khác nhau như niềm tin, dục vọng, ý hướng (intention), cảm giác, cảm quan và ý chí tự do.[143] Một trực giác có ảnh hưởng trong triết học tinh thần là rằng có sự khác biệt giữa kinh nghiệm nội tại về các khách thể và sự hiện sinh của chúng ở thế giới bên ngoài. Vấn đề tâm-vật là vấn đề giải thích việc hai dạng sự vật tương ứng – tinh thần và vật chất – có quan hệ với nhau như thế nào. Các trường phái chính để giải đáp vấn đề đó gồm chủ nghĩa duy vật, cho rằng vật chất có tính cơ bản hơn; chủ nghĩa duy tâm, cho rằng tinh thần có tính cơ bản hơn; và chủ nghĩa nhị nguyên, giả định rằng tinh thần và vật chất là các dạng hữu thể khác nhau. Một góc nhìn phổ biến khác trong triết học đương đại là thuyết chức năng, một lý thuyết hiểu các trạng thái tinh thần về mặt vai trò chức năng hoặc nhân quả.[144] Vấn đề tâm-vật có quan hệ mật thiết với bài toán khó về ý thức (hard problem of consciousness), vốn đặt ra câu hỏi làm cách nào mà bộ não có thể tạo ra kinh nghiệm chủ quan về mặt định tính.[145]
Triết học tôn giáo khảo sát các khái niệm, giả thuyết và luận cứ cơ bản gắn với tôn giáo. Triết học tôn giáo suy ngẫm một cách phê phán về việc tôn giáo là gì, thần thánh được định nghĩa thế nào, và liệu một hay nhiều vị thần có tồn tại không. Nhánh này còn bao gồm bàn cãi về các thế giới quan vốn nhằm bác bỏ học thuyết tôn giáo.[146] Một số câu hỏi khác được giải quyết bằng triết học tôn giáo gồm: "Làm sao chúng ta giải thích được ngôn ngữ tôn giáo, nếu không nói theo nghĩa đen?";[147] "Sự toàn tri thiêng liêng có tương thích với ý chí tự do không?";[148] và "Phải chăng sự đa dạng của các tôn giáo trên thế giới có tương thích với nhau về mặt nào đó bất chấp những diễn ngôn thần học có vẻ trái ngược nhau?"[149] Đây là một lĩnh vực bao hàm những chủ đề từ gần như tất cả các nhánh của triết học.[150] Nó khác với thần học bởi những tranh luận thần học thường diễn ra trong một truyền thống tôn giáo nào đó, còn tranh luận trong triết học tôn giáo vượt ra khỏi bất kỳ tập hợp giả định thần học cụ thể nào.[151]
Triết học khoa học xem xét các khái niệm, giả định và vấn đề cơ bản gắn với khoa học. Triết học khoa học suy ngẫm về việc khoa học là gì và làm thế nào để phân biệt nó với ngụy khoa học. Lĩnh vực này tìm hiểu về phương pháp mà các nhà khoa học sử dụng, làm sao mà việc áp dụng chúng có thể đưa đến tri thức, và chúng được dựa trên những giả định nào. Triết học khoa học còn nghiên cứu mục đích và hàm ý của khoa học.[152] Một số câu hỏi về nó bao gồm "Đâu được coi là một sự giải thích thỏa đáng?";[153] "Một định luật khoa học có gì khác hơn là sự mô tả về một quy luật nào đó?";[154] và "Liệu một số môn khoa học chuyên biệt có thể được giải thích hoàn toàn bằng thuật ngữ của một môn khoa học tổng quát hơn không?"[155] Đó là một lĩnh vực rộng lớn thường được chia thành triết học khoa học tự nhiên và triết học khoa học xã hội, trong đó ứng với mỗi môn khoa học tiếp tục có sự phân chia thành nhiều nhánh. Cách thức mà các nhánh này liên hệ với nhau cũng là một câu hỏi trong triết học khoa học. Nhiều vấn đề triết học của nó chồng chéo với các lĩnh vực siêu hình học hoặc tri thức luận.[156]
Triết học chính trị là sự tra vấn triết học vào những nguyên lý và tư tưởng cơ bản chi phối các hệ thống chính trị và xã hội. Triết học chính trị xem xét các khái niệm, giả định và luận cứ cơ bản trong lĩnh vực chính trị. Nhánh này xem xét bản chất và mục đích của chính phủ cũng như so sánh các dạng khác nhau của chính phủ.[157] Lĩnh vực còn đặt ra câu hỏi về việc trong hoàn cảnh nào việc sử dụng quyền lực chính trị là chính đáng (legitimate), thay vì một loại hình bạo lực đơn giản.[158] Về vấn đề này, nó có liên quan đến sự phân bố quyền lực chính trị, của cải vật chất và xã hội, và các quyền pháp lý (legal rights).[159] Một số đề tài khác thuộc cùng phạm vi gồm công lý, tự do, bình đẳng, chủ quyền và chủ nghĩa dân tộc.[160] Triết học chính trị bao hàm một sự tra vấn chung về các vấn đề quy phạm và khác về mặt này với khoa học chính trị, vốn nhắm đến cung cấp mô tả thực nghiệm về các nhà nước thực sự tồn tại.[161] Triết học chính trị thường được xem như một lĩnh vực con của luân lý học.[162] Các trường phái tư tưởng lớn trong triết học chính trị là chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa vô trị.[163]
Phương pháp
Phương pháp triết học là cách thức thực hiện tra vấn triết học, bao gồm các kỹ thuật nhằm đạt đến tri thức triết học và biện minh cho diễn ngôn triết học cũng như các nguyên lý được sử dụng để lựa chọn từ những lý thuyết cạnh tranh lẫn nhau.[164] Đã có một lượng lớn phương pháp được sử dụng trong lịch sử triết học, trong đó nhiều phương pháp có sự khác biệt đáng kể với các phương pháp áp dụng trong khoa học tự nhiên ở chỗ chúng không dùng dữ liệu thực nghiệm được thu thập qua dụng cụ đo.[165] Việc lựa chọn phương pháp thường kéo theo hệ quả quan trọng cả về cách thức xây dựng các lý thuyết triết học và luận cứ dùng để ủng hộ hoặc chống lại chúng.[166] Lựa chọn này thường được chỉ dẫn bởi những suy xét nhận thức luận về việc những gì tạo nên bằng chứng triết học.[167]
Bất đồng về phương pháp luận có thể gây mâu thuẫn giữa các lý thuyết triết học hoặc về lời giải đáp cho các câu hỏi triết học. Sự khám phá các phương pháp mới nhiều lúc dẫn đến hệ quả cả về cách mà các triết gia thực hiện nghiên cứu và về các tuyên bố mà họ bảo vệ.[168] Một số triết gia tiến hành phần lớn công việc phát triển lý thuyết nhờ một phương pháp cụ thể trong khi số khác sử dụng tập hợp nhiều phương pháp trên cơ sở việc phương pháp nào là khớp nhất với vấn đề cụ thể cần khảo sát.[169]
Phân tích khái niệm là một phương pháp thường dùng trong triết học phân tích, nhằm làm rõ nghĩa của các khái niệm qua việc phân tích chúng thành các bộ phận cấu thành.[170] Một phương pháp thường dùng khác được dựa trên cơ sở lẽ thường. Phương pháp này bắt đầu từ những niềm tin thường được chấp nhận và cố gắng rút ra những kết luận bất ngờ từ chúng, sau đó vận dụng các kết luận đó theo nghĩa tiêu cực để chỉ trích các lý thuyết triết học đi quá xa so với cách nhìn nhận vấn đề của một người bình thường.[171] Phương pháp trên tương đồng với cách tiếp cận các câu hỏi triết học của triết học ngôn ngữ thông thường qua sự khảo sát về cách mà ngôn ngữ đời thường được sử dụng.[172]
Nhiều phương pháp trong triết học đặt vai trò quan trọng đặc biệt lên trực giác, tức là ấn tượng phi suy luận về tính đúng đắn của tuyên bố cụ thể hoặc nguyên lý chung nào đó.[174] Chẳng hạn, chúng có vai trò chủ đạo trong các cuộc thí nghiệm tưởng tượng, vốn vận dụng suy nghĩ đối lập (counterfactual thinking) để đánh giá các hệ quả có khả năng xảy ra của một tình huống tưởng tượng. Những hệ quả kỳ vọng này sau đó có thể được dùng để thừa nhận hay bác bỏ lý thuyết triết học.[175] Phương pháp quân bình suy tưởng cũng dùng đến trực giác, tìm cách hình thành một lập trường cố kết về một vấn đề nhất định bằng cách xem xét tất cả các niềm tin và trực giác có liên quan, trong đó một số thường phải được giảm nhẹ hoặc điều chỉnh lại để đi đến một quan điểm cố kết.[176]
Các nhà thực dụng nhấn vào tầm quan trọng của hệ quả thực tiễn cụ thể trong việc đánh giá xem một lý thuyết triết học có đúng hay không.[177] Theo châm ngôn thực dụng (pragmatic maxim) do Charles Sanders Peirce đưa ra, quan niệm của một người về một khách thể không gì khác hơn là toàn bộ các hệ quả thực tế mà người đó gắn với khách thể này. Những người theo chủ nghĩa thực dụng cũng sử dụng phương pháp này để vạch trần bất đồng theo kiểu chỉ đơn thuần bằng lời nói, tức là cho thấy chúng không tạo ra khác biệt thực sự nào về mức độ hệ quả.[178]
Các nhà hiện tượng học đi tìm tri thức về mặt biểu hiện và cấu trúc của kinh nghiệm con người. Họ nhấn mạnh vào đặc trưng ngôi thứ nhất của mọi kinh nghiệm và tiến hành đình chỉ các phán xét mang tính lý thuyết về thế giới bên ngoài. Kỹ thuật giảm trừ hiện tượng học này được gọi là "đóng khung" hay epoché, với mục tiêu đưa ra mô tả không thiên vị về biểu hiện của các sự vật.[179]
Chủ nghĩa tự nhiên phương pháp chú trọng vào hướng tiếp cận thực nghiệm và các lý thuyết thu được có trong khoa học tự nhiên. Theo cách này, nó tương phản với các phương pháp luận chú trọng nhiều hơn đến lý luận và sự nội quan thuần túy.[180]
Liên hệ với các lĩnh vực khác
Triết học có quan hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực khác. Nó đôi khi được hiểu là một siêu ngành nhằm làm rõ bản chất và giới hạn của chúng bằng cách phân tích các khái niệm cơ bản, giả định và phương pháp theo cách phê phán. Về vấn đề này, triết học đóng vai trò then chốt trong việc đưa ra một góc nhìn liên ngành, thu hẹp khoảng trống giữa các bộ môn khác nhau qua phân tích các khái niệm và vấn đề chung giữa chúng. Nó còn vừa cho thấy chúng chồng lấn nhau đến đâu, vừa phân định phạm vi của chúng một cách rạch ròi.[181] Trong lịch sử, hầu hết các bộ môn khoa học có nguồn gốc từ triết học.[182]
Ảnh hưởng của triết học có thể cảm nhận được trong một số lĩnh vực yêu cầu đưa ra quyết định thực tiễn khó khăn. Trong y học, những suy xét triết lý liên quan đến đạo đức sinh học có tác động đến các vấn đề, chẳng hạn như có thể coi phôi thai là người hay chưa, và việc phá thai là chấp nhận được về mặt đạo đức dưới những điều kiện nào. Một vấn đề triết lý có liên hệ gần với nó là cách hành xử nên làm của con người đối với động vật khác, chẳng hạn như liệu nên chấp nhận việc sử dụng động vật không phải con người làm thức ăn hay không, hay là liệu có nên cho phép nghiên cứu, thử nghiệm trên động vật hay không.[183] Trong quan hệ với kinh doanh và đời sống công việc, triết học góp một phần bằng việc đưa ra các khuôn khổ đạo đức. Chúng bao gồm các nguyên tắc về việc những thông lệ kinh doanh nào là chấp nhận được về mặt đạo đức và bao hàm vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.[184]
Tra vấn triết học có liên hệ đến nhiều lĩnh vực quan tâm đến việc nên tin vào điều gì và làm sao để đạt đến bằng chứng cho niềm tin của một người.[185] Đây là một vấn đề chủ chốt đối với khoa học, vốn có một trong những mục tiêu hàng đầu là tạo ra tri thức khoa học. Tri thức khoa học được dựa trên bằng chứng thực nghiệm nhưng thường không dễ dàng biết được các quan sát thực nghiệm đã trung tính hay đã bao gồm các giả định lý thuyết hay chưa. Một vấn đề mật thiết là liệu những bằng chứng sẵn có đã đủ để đưa ra quyết định giữa các lý thuyết cạnh tranh hay chưa.[186] Các vấn đề tri thức luận liên quan đến luật pháp bao gồm việc những gì được xem là bằng chứng, và bao nhiêu bằng chứng là cần thiết để xác định một người là có tội. Một vấn đề liên quan khác trong báo chí là làm sao đảm bảo tính chân lý và khách quan khi đưa tin về các sự kiện.[181]
Trong lĩnh vực thần học và tôn giáo, có nhiều học thuyết gắn liền với sự hiện sinh và bản chất của Chúa cũng như các quy tắc chi phối hành vi đúng đắn. Một vấn đề then chốt ở đây là một người duy lý có nên tin vào các học thuyết đó hay không, chẳng hạn, liệu khải thị dưới hình thức sách thánh và kinh nghiệm tôn giáo về thần thánh đã là bằng chứng đầy đủ cho những niềm tin đó hay chưa.[187]
Triết học dưới hình thức logic có tầm ảnh hưởng lớn trong các lĩnh vực toán học và khoa học máy tính.[188] Các lĩnh vực khác chịu ảnh hưởng từ triết học bao gồm tâm lý học, xã hội học, ngôn ngữ học, giáo dục và các môn nghệ thuật.[189] Quan hệ gần gũi giữa triết học và các lĩnh vực khác trong thời kỳ đương đại được phản ánh ở việc nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành triết học chuyển sang làm việc tại những lĩnh vực liên quan thay vì theo đúng chuyên ngành.[190]
Trong lĩnh vực chính trị, triết học giải đáp các vấn đề ví dụ như làm cách nào để đánh giá xem một chính sách của chính phủ là công bằng hay không.[191] Các tư tưởng triết học đã góp phần chuẩn bị và định hình nhiều cuộc phát triển chính trị. Chẳng hạn, những lý tưởng được hình thành trong triết học Khai Sáng là nền tảng cho nền dân chủ lập hiến và đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp.[192] Triết học Marx và những lý luận về chủ nghĩa cộng sản là một trong những nhân tố làm nên cuộc cách mạng Nga và cách mạng cộng sản Trung Quốc.[193] Triết lý phi bạo lực của Mahatma Gandhi định hình cho phong trào độc lập tại Ấn Độ.[194]
Một ví dụ về vai trò phê phán và văn hóa của triết học có thể được tìm thấy trong sự ảnh hưởng đối với phong trào nữ quyền qua các triết gia như Mary Wollstonecraft, Simone de Beauvoir và Judith Butler. Triết học đã giúp định hình hiểu biết về các khái niệm cốt lõi trong nữ quyền, ví dụ như ý nghĩa của giới tính xã hội, điểm khác biệt giữa nó với giới tính sinh học và vai trò của nó trong việc hình thành bản sắc cá nhân. Các triết gia cũng đã nghiên cứu khái niệm về công lý và bình đẳng xã hội cũng như ý nghĩa của chúng đối với sự đối xử bất công với phụ nữ trong xã hội do nam giới chi phối.[195]
Quan niệm cho rằng triết học có ích đối với nhiều khía cạnh của đời sống và xã hội có khi bị bác bỏ. Theo một góc nhìn như vậy, triết học chủ yếu được thực hiện vì lợi ích riêng của nó và không đóng góp đáng kể cho các thông lệ có sẵn hoặc mục tiêu bên ngoài.[196]
Xem thêm
Tham khảo
Ghi chú
- ^ Bản thân chữ philosophos ('triết gia') được vay mượn từ thuật ngữ Ai Cập cổ đại mer-rekh (mr-rḫ) có nghĩa là 'người yêu sự thông thái'.[5]
- ^ Eudaimonia (tiếng Hy Lạp cổ: εὐδαιμονία) thường mang nghĩa đơn thuần là "hạnh phúc", nhưng cách dịch này được cho là không trúng. Eudaimonia, theo cách hiểu của Aristotle, là lợi ích cao nhất của con người; thứ lợi ích duy nhất được ham muốn vì lợi ích của chính nó (như một mục đích tự thân) hơn là vì lợi ích của một thứ khác (như một ý muốn hướng tới mục đích khác).[39]
- ^ Mốc thời gian chính xác vẫn chưa có sự thống nhất; một số tài liệu cho rằng giai đoạn này bắt đầu sớm nhất vào năm 500 TCN, còn số khác nhận định nó chỉ khởi điểm muộn nhất từ sau năm 200 CN.[69]
- ^ Đây là các mốc thời gian được trích dẫn theo lối cổ, nhưng một số nhà nghiên cứu gần đây cho rằng ông sống trong khoảng từ năm 1077 đến năm 1157.[72]
- ^ Điều kiện chân trị (truth condition) của một câu là hoàn cảnh hoặc trạng thái sao cho câu đó là đúng thật.[140]
Chú thích tham khảo
- ^
- Pratt 2023, tr. 169
- Morujão, Dimas & Relvas 2021, tr. 105
- Mitias 2022, tr. 3
- ^ Đào Duy Anh 2001, tr. 309, 863.
- ^ Kanayama 2017.
- ^
- Hoad 1993, tr. 350
- Simpson 2002, Philosophy
- Jacobs 2022, tr. 23
- ^
- Herbjørnsrud 2021, tr. 123
- Herbjørnsrud 2023, tr. X
- ^
- Bottin 1993, tr. 151
- Jaroszyński 2018, tr. 12
- ^
- Ban biên tập OED 2022, Philosophy, n.
- Hoad 1993, tr. 350
- ^
- Ten 1999, tr. 9
- Tuomela 1985, tr. 1
- Grant 2007, tr. 303
- ^
- Kenny 2018, tr. 189
- Grant 2007, tr. 163
- Cotterell 2017, tr. 458
- Maddy 2022, tr. 24
- ^
- Grant 2007, tr. 318
- Ten 1999, tr. 9
- ^
- ^
- Grayling 2019, Philosophy in the Nineteenth Century
- Regenbogen 2010
- Ten 1999, tr. 9
- Ban biên tập AHD 2022
- ^
- ^ Perry, Bratman & Fischer 2010, tr. 4.
- ^
- Russell 1912, tr. 91
- Blackwell 2013, tr. 148
- Pojman 2009, tr. 2
- Kenny 2004, tr. xv
- Vintiadis 2020, tr. 137
- ^ Plato 2023, Apology.
- ^ McCutcheon 2014, tr. 26.
- ^
- Russell 1912, tr. 91
- Blackwell 2013, tr. 148
- ^
- ^ Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. vii, 17.
- ^
- Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. 20, 44, What Is Philosophy?
- Mittelstraß 2005, Philosophie
- ^
- Joll
- Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. 20–21, 25, 35, 39, What Is Philosophy?
- ^
- Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. 20–22, What Is Philosophy?
- Rescher 2013, tr. 1–3, 1. The Nature of Philosophy
- Nuttall 2013, tr. 12–13, 1. The Nature of Philosophy
- ^
- Guyer 2014, tr. 7–8
- Kant 1998, tr. A805/B833
- Kant 1992, tr. 9:25
- ^ Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. 20–22, What Is Philosophy?.
- ^ Regenbogen 2010, Philosophiebegriffe.
- ^
- Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. 26–27, What Is Philosophy?
- Hylton & Kemp 2020
- ^
- Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. 25–27, What Is Philosophy?
- Chalmers 2015, tr. 3–4
- Dellsén, Lawler & Norton 2021, tr. 814–815
- ^
- Regenbogen 2010, Philosophiebegriffe
- Mittelstraß 2005, Philosophie
- Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. 27–30, What Is Philosophy?
- ^
- ^
- Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. 34–36, What Is Philosophy?
- Rescher 2013, tr. 1–2, 1. The Nature of Philosophy
- ^
- Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. 20–21, 29, What Is Philosophy?
- Nuttall 2013, tr. 12–13, 1. The Nature of Philosophy
- Shaffer 2015, tr. 555–556
- ^
- Overgaard, Gilbert & Burwood 2013, tr. 36–37, 43, What Is Philosophy?
- Nuttall 2013, tr. 12, 1. The Nature of Philosophy
- ^
- Regenbogen 2010, Philosophiebegriffe
- Joll, Phần mở đầu, § 2c. Ordinary Language Philosophy and the Later Wittgenstein
- Biletzki & Matar 2021
- ^
- Joll, § 4.a.i
- Gelan 2020, tr. 98, Husserl's Idea of Rigorous Science and Its Relevance for the Human and Social Sciences
- Ingarden 1975, tr. 8–11, The Concept of Philosophy as Rigorous Science
- Tieszen 2005, tr. 100
- ^ Smith, § 2.b.
- ^
- ^ Grimm & Cohoe 2021, tr. 236–237.
- ^
- ^ Sharpe & Ure 2021, tr. 76, 80.
- ^
- Copleston 2003, tr. 4–6
- Santinello & Piaia 2010, tr. 487–488
- Verene 2008, tr. 6–8
- ^
- Laerke, Smith & Schliesser 2013, tr. 115–118
- Verene 2008, tr. 6–8
- Frede 2022, tr. x
- Beaney 2013, tr. 60
- ^
- Scharfstein 1998, tr. 1–4
- Perrett 2016, Is There Indian Philosophy?
- Smart 2008, tr. 1–3
- Rescher 2014, tr. 173
- Parkinson 2005, tr. 1–2
- ^
- Smart 2008, tr. v, 1–12
- Flavel & Robbiano 2023, tr. 279
- Solomon & Higgins 2003, tr. xv–xvi
- Grayling 2019, Contents, Preface
- ^ Shields 2022, Phần mở đầu.
- ^
- Blackson 2011, Introduction
- Graham 2023, Phần mở đầu, 1. Presocratic Thought
- Duignan 2010, tr. 9–11
- ^
- Graham 2023, Phần mở đầu, 2. Socrates, 3. Plato, 4. Aristotle
- Grayling 2019, Socrates, Plato, Aristotle
- ^
- Long 1986, tr. 1
- Blackson 2011, Chương 10
- Graham 2023, 6. Post-Hellenistic Thought
- ^
- Duignan 2010, tr. 9
- Lagerlund 2020, tr. v
- Marenbon 2023, Phần mở đầu
- MacDonald & Kretzmann 1998, Phần mở đầu
- ^
- Grayling 2019, Part II: Medieval and Renaissance Philosophy
- Adamson 2019, tr. 3–4
- ^
- Parkinson 2005, tr. 1, 3
- Adamson 2022, tr. 155–157
- Grayling 2019, Philosophy in the Renaissance
- Chambre và đồng nghiệp 2023, Renaissance Philosophy
- ^
- Grayling 2019, The Rise of Modern Thought; The Eighteenth-century Enlightenment
- Anstey & Vanzo 2023, tr. 236–237
- ^
- Grayling 2019, The Eighteenth-Century Enlightenment
- Kenny 2006, tr. 90–92
- ^ Grayling 2019, Philosophy in the Nineteenth Century.
- ^
- Grayling 2019, Philosophy in the Twentieth Century
- Livingston 2017, 6. 'Analytic' and 'Continental' Philosophy
- Silverman & Welton 1988, tr. 5–6
- ^ Grayling 2019, Philosophy in the Twentieth Century.
- ^ Waithe 1995, tr. xix–xxiii.
- ^
- Adamson & Taylor 2004, tr. 1
- Ban biên tập EB 2020
- Grayling 2019, Arabic–Persian Philosophy
- Adamson 2016, tr. 5–6
- ^
- Esposito 2003, tr. 246
- Nasr & Leaman 2013, 11. Al-Kindi
- Nasr 2006, tr. 109–110
- Adamson 2020, Phần mở đầu
- ^
- Gutas 2016
- Grayling 2019, Ibn Sina (Avicenna)
- ^
- Adamson 2016, tr. 140–146
- Dehsen 2013, tr. 75
- Griffel 2020, Phần mở đầu, 3. Al-Ghazâlî's "Refutations" of Falsafa and Ismâ'îlism, 4. The Place of Falsafa in Islam
- ^
- Grayling 2019, Ibn Rushd (Averroes)
- Kaminski 2017, tr. 32
- ^
- Rizvi 2021, Phần mở đầu, 3. Metaphysics, 4. Noetics — Epistemology and Psychology
- Chamankhah 2019, tr. 73
- ^
- Moaddel 2005, tr. 1–2
- Masud 2009, tr. 237–238
- Safi 2005, Phần mở đầu
- ^
- Smart 2008, tr. 3
- Grayling 2019, Indian Philosophy
- ^
- Perrett 2016, Indian philosophy: A Brief Historical Overview, the Ancient Period of Indian Philosophy
- Grayling 2019, Indian Philosophy
- Pooley & Rothenbuhler 2016, tr. 1468
- Andrea & Overfield 2015, tr. 71
- ^ a b
- Perrett 2016, The Ancient Period of Indian Philosophy
- Ruether 2004, tr. 57
- ^
- Perrett 2016, The Ancient Period of Indian Philosophy
- Vallely 2012, tr. 609–610
- Gorisse 2023, Phần mở đầu
- ^
- Phillips 1998, tr. 324
- Perrett 2016, Indian Philosophy: A Brief Historical Overview
- Glenney & Silva 2019, tr. 77
- ^
- Perrett 2016, Indian Philosophy: A Brief Historical Overview, The Classical Period of Indian Philosophy, The Medieval Period of Indian Philosophy
- Glenney & Silva 2019, tr. 77
- Adamson & Ganeri 2020, tr. 101–102
- ^
- Perrett 2016, The Medieval Period of Indian Philosophy
- Dalal 2021, Phần mở đầu, 2. Metaphysics
- Menon, Phần mở đầu
- ^ Ranganathan, 1. Rāmānuja's Life and Works.
- ^ Ranganathan, Phần mở đầu, 2c. Substantive Theses.
- ^
- Ranganathan, 4. Rāmānuja's Soteriology
- Kulke & Rothermund 1998, tr. 139
- Seshadri 1996, tr. 297
- Jha 2022, tr. 217
- ^
- Perrett 2016, Indian Philosophy: A Brief Historical Overview, the Modern Period of Indian Philosophy
- Ban biên tập EB 2023
- ^
- Banhatti 1995, tr. 151–154
- Bilimoria 2018, tr. 529–531
- Rambachan 1994, tr. 91–92
- ^
- Smart 2008, tr. 3, 70–71
- Ban biên tập EB 2017, Phần mở đầu, § Periods of Development of Chinese Philosophy
- Littlejohn 2023
- Grayling 2019, Chinese Philosophy
- Cua 2009, tr. 43–45
- Wei-Ming, Phần mở đầu
- ^
- Perkins 2013, tr. 486–487
- Ma 2015, tr. xiv
- Botz-Bornstein 2023, tr. 61
- ^
- Ban biên tập EB 2017, Phần mở đầu, § Periods of Development of Chinese Philosophy
- Smart 2008, tr. 70–76
- Littlejohn 2023, 1b. Confucius (551-479 B.C.E.) of the Analects
- Boyd & Timpe 2021, tr. 64–66
- Marshev 2021, tr. 100–101
- ^
- Ban biên tập EB 2017, Phần mở đầu, § Periods of Development of Chinese Philosophy
- Slingerland 2007, tr. 77–78
- Grayling 2019, Chinese Philosophy
- ^
- Grayling 2019, Chinese Philosophy
- Littlejohn 2023, 1c. Mozi (c. 470–391 B.C.E.) and Mohism
- Defoort & Standaert 2013, tr. 35
- ^
- Grayling 2019, Chinese Philosophy
- Kim 2019, tr. 161
- Littlejohn 2023, 2a. Syncretic Philosophies in the Qin and Han Periods
- ^ a b
- Littlejohn 2023, § Early Buddhism in China
- Ban biên tập EB 2017, § Periods of Development of Chinese Philosophy
- ^
- Littlejohn 2023, 4b. Neo-Confucianism: The Original Way of Confucius for a New Era
- Ban biên tập EB 2017, § Periods of Development of Chinese Philosophy
- ^
- Littlejohn 2023, 5. The Chinese and Western Encounter in Philosophy
- Jiang 2009, tr. 473–480
- Qi 2014, tr. 99–100
- Tian 2009, tr. 512–513
- ^
- ^
- Kasulis 2022, Phần mở đầu, § 3.2 Confucianism, § 3.3 Buddhism
- Kasulis 1998, Phần mở đầu
- ^
- Kasulis 2022, § 4.3 Edo-period Philosophy (1600–1868)
- Kasulis 1998, Phần mở đầu
- ^
- Davis 2022, Phần mở đầu, § 3. Absolute Nothingness: Giving Philosophical Form to the Formless
- Kasulis 2022, § 4.4.2 Modern Academic Philosophies
- ^
- Gracia & Vargas 2018, Phần mở đầu, § 1. History
- Stehn, Phần mở đầu, § 1. Indigenous Period
- Maffie
- ^
- Arola 2011, tr. 562–563
- Rivera Berruz 2019, tr. 72
- ^
- Gracia & Vargas 2018, Phần mở đầu, § 1. History
- Stehn, Phần mở đầu, § 4. Twentieth Century
- ^
- Grayling 2019, African Philosophy
- Chimakonam 2023, Phần mở đầu, 6. Epochs in African Philosophy
- Mangena, Phần mở đầu
- ^
- Chimakonam 2023, Phần mở đầu, 1. Introduction, 5. The Movements in African Philosophy, 6. Epochs in African Philosophy
- Bell & Fernback 2015, tr. 44
- Coetzee & Roux 1998, tr. 88
- ^
- Brenner 1993, tr. 16
- Palmquist 2010, tr. 800
- Jenicek 2018, tr. 31
- ^ Schroeder 2021, Phần mở đầu.
- ^
- Kenny 2018, tr. 20
- Lazerowitz & Ambrose 2012, tr. 9
- ^
- Martinich & Stroll 2023, Phần mở đầu, The Nature of Epistemology
- Steup & Neta 2020, Phần mở đầu
- Truncellito, Phần mở đầu
- Greco 2021, Article Summary
- ^ Mulvaney 2009, tr. ix.
- ^
- Steup & Neta 2020, Phần mở đầu, 2. What Is Knowledge?
- Truncellito, Phần mở đầu, 1. Kinds of Knowledge
- Colman 2009a, Declarative Knowledge
- ^
- Martinich & Stroll 2023, The Nature of Knowledge
- Truncellito, Phần mở đầu, 2. The Nature of Propositional Knowledge
- ^
- Ichikawa & Steup 2018, § 3. The Gettier Problem, § 11. Knowledge First
- Truncellito, § 2d. The Gettier Problem
- ^
- Steup & Neta 2020, 5. Sources of Knowledge and Justification
- Truncellito, Phần mở đầu, 4a. Sources of Knowledge
- ^
- ^
- Steup & Neta 2020, 4. The Structure of Knowledge and Justification
- Truncellito, 3. The Nature of Justification
- ^ Olsson 2021, Phần mở đầu, § 1. Coherentism Versus Foundationalism.
- ^
- Steup & Neta 2020, 6. The Limits of Cognitive Success
- Truncellito, 4. The Extent of Human Knowledge
- Johnstone 1991, tr. 52
- ^ Mill 1863, tr. 51.
- ^
- Audi 2006, tr. 325–326
- Nagel 2006, tr. 379–380
- Lambert 2023, tr. 26
- ^ Mulvaney 2009, tr. vii–xi.
- ^
- Dittmer, 1. Applied Ethics as Distinct from Normative Ethics and Metaethics
- Jeanes 2019, tr. 66
- Nagel 2006, tr. 379–380
- ^
- Dittmer, 1. Applied Ethics as Distinct from Normative Ethics and Metaethics
- Jeanes 2019, tr. 66
- Nagel 2006, tr. 390–391
- Sayre-McCord 2023, Phần mở đầu
- ^
- Dittmer, 1. Applied Ethics as Distinct from Normative Ethics and Metaethics
- Barsky 2009, tr. 3
- Jeanes 2019, tr. 66
- Nagel 2006, tr. 379–380, 390–391
- ^
- Dittmer, 1. Applied Ethics as Distinct from Normative Ethics and Metaethics
- Nagel 2006, tr. 382, 386–388
- ^
- Dittmer, 1. Applied Ethics as Distinct from Normative Ethics and Metaethics
- Nagel 2006, tr. 382, 386–388
- Hursthouse & Pettigrove 2022, 1.2 Practical Wisdom
- ^
- Hintikka 2019
- Haack 1978, Philosophy of Logics
- ^
- Blair & Johnson 2000, tr. 94–96
- Walton 1996
- Tully 2005, tr. 532
- Johnson 1999, tr. 265–267
- Groarke 2021
- ^
- Velleman 2006, tr. 8, 103
- Johnson-Laird 2009, tr. 8–10
- Dowden 2020, tr. 334–336, 432
- ^
- Dowden 2020, tr. 432, 470
- Anshakov & Gergely 2010, tr. 128
- ^
- Vickers 2022
- Nunes 2011, tr. 2066–2069, Logical Reasoning and Learning
- Dowden 2020, tr. 432–449, 470
- ^
- Douven 2022
- Koslowski 2017, tr. 366–368, Abductive Reasoning and Explanation
- Nunes 2011, tr. 2066–2069, Logical Reasoning and Learning
- ^
- Hansen 2020
- Dowden 2023
- Dowden 2020, tr. 290
- Vleet 2011, tr. ix
- ^
- van Inwagen, Sullivan & Bernstein 2023
- Craig 1998
- Audi 2006, § Metaphysics
- ^ van Inwagen, Sullivan & Bernstein 2023, Phần mở đầu.
- ^ Mulvaney 2009, tr. ix–x.
- ^
- ^
- Haaparanta & Koskinen 2012, tr. 454
- Fiet 2022, tr. 133
- Audi 2006, § Metaphysics
- van Inwagen, Sullivan & Bernstein 2023, 1. The Word 'Metaphysics' and the Concept of Metaphysics
- ^
- Audi 2006, § Metaphysics
- Coughlin 2012, tr. 15
- ^ Audi 2006, § Metaphysics.
- ^
- ^
- Lowe 2005, tr. 683
- Kuhlmann 2010, Ontologie: 4.2.1 Einzeldinge und Universalien
- ^
- ^
- Stambaugh 1987, Philosophy: An Overview
- Phillips 2010, tr. 16
- Ramos 2004, tr. 4
- Shand 2004, tr. 9–10
- ^
- Smith, Brown & Duncan 2019, tr. 174
- McQuillan 2015, tr. 122–123
- Janaway 2005, tr. 9, Aesthetics, History Of
- ^
- Nanay 2019, tr. 4
- McQuillan 2015, tr. 122–123
- ^
- Kelly 1998, tr. ix
- Riedel 1999
- ^
- ^
- ^
- Audi 2006, § Philosophy of Language
- Russell & Fara 2013, tr. ii, 1–2
- Blackburn 2022, Phần mở đầu
- ^ Birner 2012, tr. 33.
- ^
- Wolf 2023, §§ 1.a-b, 3–4
- Ifantidou 2014, tr. 12
- ^
- Lowe 2000, tr. 1–2
- Crumley 2006, tr. 2–3
- ^
- Audi 2006, § Philosophy of Mind
- Heidemann 2014, tr. 140
- ^
- ^
- ^
- Taliaferro 2023, Phần mở đầu, § 5.2
- Burns 2017, tr. i, 1–3
- Audi 2006, § Philosophy of Religion
- Meister, Phần mở đầu
- ^ Taliaferro 2023, § 1.
- ^ Taliaferro 2023, § 5.1.1.
- ^ Taliaferro 2023, § 6.
- ^
- Taliaferro 2023, Introduction
- Audi 2006, § Philosophy of Religion
- ^
- Bayne 2018, tr. 1–2
- Louth & Thielicke 2014
- ^
- Audi 2006, § Philosophy of Science
- Kitcher 2023
- Losee 2001, tr. 1–3
- Wei 2020, tr. 127
- Newton-Smith 2000, tr. 2–3
- ^ Newton-Smith 2000, tr. 7.
- ^ Newton-Smith 2000, tr. 5.
- ^ Papineau 2005, tr. 855–856.
- ^
- Papineau 2005, tr. 852
- Audi 2006, § Philosophy of Science
- ^
- Molefe & Allsobrook 2021, tr. 8–9
- Moseley, Phần mở đầu
- Duignan 2012, tr. 5–6
- Bowle & Arneson 2023, Phần mở đầu
- McQueen 2010, tr. 162
- ^
- Molefe & Allsobrook 2021, tr. 8–9
- Howard 2010, tr. 4
- ^ Wolff 2006, tr. 1–2.
- ^ Molefe & Allsobrook 2021, tr. 8–9.
- ^
- Moseley, Phần mở đầu
- Molefe & Allsobrook 2021, tr. 8–9
- ^ Audi 2006, § Subfields of Ethics.
- ^
- Moseley, Phần mở đầu, § 3. Political Schools of Thought
- McQueen 2010, tr. 162
- ^
- McKeon 2002, Phần mở đầu, § Summation
- Overgaard & D'Oro 2017, tr. 1, 4–5, Introduction
- Mehrtens 2010, Methode/Methodologie
- ^
- ^
- Overgaard & D'Oro 2017, tr. 1, 3–5, Introduction
- Nado 2017, tr. 447–449, 461–462
- Dever 2016, 3–6
- ^
- Daly 2010, tr. 9–11, Introduction
- Overgaard & D'Oro 2017, tr. 3, Introduction
- Dever 2016, tr. 3–4, What Is Philosophical Methodology?
- ^
- Daly 2015, tr. 1–2, 5, Introduction and Historical Overview
- Mehrtens 2010, Methode/Methodologie
- Overgaard & D'Oro 2017, tr. 1, 3–5, Introduction
- ^
- Williamson 2020
- Singer 1974, tr. 420–421
- Venturinha 2013, tr. 76
- Walsh, Teo & Baydala 2014, tr. 68
- ^
- ^
- ^
- Mehrtens 2010, Methode/Methodologie
- Parker-Ryan, Phần mở đầu, § 1. Introduction
- Ban biên tập EB 2022
- ^
- Woollard & Howard-Snyder 2022, § 3. The Trolley Problem and the Doing/Allowing Distinction
- Rini, § 8. Moral Cognition and Moral Epistemology
- ^
- Daly 2015, tr. 11–12, Introduction and Historical Overview
- Duignan 2009
- ^
- Brown & Fehige 2019, Phần mở đầu
- Goffi & Roux 2011, tr. 165, 168–169
- Eder, Lawler & van Riel 2020, tr. 915–916
- ^
- Daly 2015, tr. 12–13, Introduction and Historical Overview
- Daniels 2020, Phần mở đầu, § 1. The Method of Reflective Equilibrium
- Little 1984, tr. 373–375
- ^
- McDermid, Phần mở đầu
- Legg & Hookway 2021, Phần mở đầu
- ^
- McDermid, Phần mở đầu, § 2a. A Method and A Maxim
- Legg & Hookway 2021, Phần mở đầu, § 2. The Pragmatic Maxim: Peirce
- ^
- Cogan, Phần mở đầu, § 5. The Structure, Nature and Performance of the Phenomenological Reduction
- Mehrtens 2010, Methode/Methodologie
- Smith 2018, Phần mở đầu, § 1. What Is Phenomenology?
- Smith, Phần mở đầu, § 2.Phenomenological Method
- ^
- Fischer & Collins 2015, tr. 4
- Fisher & Sytsma 2023, Projects and Methods of Experimental Philosophy
- Papineau 2023, § 2. Methodological Naturalism
- ^ a b Audi 2006, tr. 332–337.
- ^
- Tuomela 1985, tr. 1
- Grant 2007, tr. 303
- ^
- Dittmer, Phần mở đầu, § 3. Bioethics
- Lippert-Rasmussen 2017, tr. 4–5
- Uniacke 2017, tr. 34–35
- Crary 2013, tr. 321–322
- ^
- Dittmer, Phần mở đầu, § 2. Business Ethics, § 5. Professional Ethics
- Lippert-Rasmussen 2017, tr. 4–5
- Uniacke 2017, tr. 34–35
- ^ Lippert-Rasmussen 2017, tr. 51–53.
- ^
- Bird 2010, tr. 5–6, 8–9
- Rosenberg 2013, tr. 129, 155
- ^
- Clark 2022, Phần mở đầu, § 1. Reason/Rationality
- Forrest 2021, Phần mở đầu
- Dougherty 2014, tr. 97–98
- ^
- Kakas & Sadri 2003, tr. 588
- Li 2014, tr. ix–x
- Nievergelt 2015, tr. v–vi
- ^
- Audi 2006, tr. 332–37
- Murphy 2018, tr. 138
- Dittmer, Phần mở đầu, Table of Contents
- Frankena, Raybeck & Burbules 2002, § Definition
- ^ Cropper 1997.
- ^
- Dittmer, Phần mở đầu, § 6. Social Ethics, Distributive Justice, and Environmental Ethics
- Lippert-Rasmussen 2017, tr. 4–5
- ^ Bristow 2023, Phần mở đầu, § 2.1 Political Theory.
- ^
- Pipes 2020, tr. 29
- Wolff & Leopold 2021, § 9. Marx's Legacy
- Shaw 2019, tr. 124
- ^
- Singh 2014, tr. 83
- Bondurant 1988, tr. 23–24
- ^
- McAfee 2018, Phần mở đầu, 2.1 Feminist Beliefs and Feminist Movements
- Ainley 2005, tr. 294–296
- Hirschmann 2008, tr. 148–151
- McAfee và đồng nghiệp 2023, Phần mở đầu, 1. What Is Feminism?
- ^
- Jones & Bos 2007, tr. 56
- Rickles 2020, tr. 9
- Lockie 2015, tr. 24–28
Thư mục
Từ điển thuật ngữ
- Bùi Văn Nam Sơn; nhiều dịch giả (2013). Từ điển triết học Kant. Từ điển triết học Tây phương. Nhà xuất bản Tri thức. Bản dịch tiếng Việt từ Caygill, Howard (1995). A Kant Dictionary (bằng tiếng Anh). Blackwell. ISBN 0-631-17534-2.
- Bùi Văn Nam Sơn; nhiều dịch giả (2015). Từ điển triết học Hegel. Từ điển triết học Tây phương. Nhà xuất bản Tri thức. Bản dịch tiếng Việt từ Inwood, Michael (1992). A Hegel Dictionary (bằng tiếng Anh). Blackwell. ISBN 0-631-17533-4.
Tài liệu chung
- Adamson, Peter; Ganeri, Jonardon (2020). Classical Indian Philosophy [Triết học Ấn Độ cổ điển]. A History of Philosophy Without Any Gaps (bằng tiếng Anh). 5. Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-885176-9. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
- Adamson, Peter; Taylor, Richard C. (2004). The Cambridge Companion to Arabic Philosophy [Sổ tay Cambridge về triết học Ả Rập] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-1-107-49469-5. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2023.
- Adamson, Peter (2020). “Al-Kindi”. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2023.
- Adamson, Peter (2022). Byzantine and Renaissance Philosophy [Triết học Byzantine và Phục Hưng]. A History of Philosophy Without Any Gaps (bằng tiếng Anh). 6. Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-266992-6. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2023.
- Adamson, Peter (2019). Medieval Philosophy [Triết học Trung Cổ]. A History of Philosophy Without Any Gaps (bằng tiếng Anh). 4. Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-884240-8. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2023.
- Adamson, Peter (2016). Philosophy in the Islamic World [Triết học trong thế giới Hồi giáo]. A History of Philosophy Without Any Gaps (bằng tiếng Anh). 3. Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-957749-1. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2023.
- Adler, Mortimer J. (2000). How to Think About the Great Ideas: From the Great Books of Western Civilization [Cách tư duy về những tư tưởng lớn: Từ những cuốn sách vĩ đại của nền văn minh phương Tây] (bằng tiếng Anh). Open Court. ISBN 978-0-8126-9412-3. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Ban biên tập AHD (2022). “Philosophy” [Triết học]. The American Heritage Dictionary (bằng tiếng Anh). HarperCollins. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2023.
- Ainley, Alison (2005). “Feminist Philosophy” [Triết học nữ quyền]. Trong Honderich, Ted (biên tập). The Oxford Companion to Philosophy [Sổ tay Oxford về triết học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-926479-7. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2022.
- Andrea, Alfred J.; Overfield, James H. (2015). The Human Record: Sources of Global History, Volume I: To 1500 [Hồ sơ con người: Nguồn gốc lịch sử thế giới, Tập I: Đến năm 1500] (bằng tiếng Anh). Cengage Learning. ISBN 978-1-305-53746-0. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.
- Anshakov, Oleg M.; Gergely, Tamás (2010). Cognitive Reasoning: A Formal Approach [Lập luận nhận thức: Một cách tiếp cận hình thức] (bằng tiếng Anh). Springer Science & Business Media. ISBN 978-3-540-68875-4. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023.
- Anstey, Peter R.; Vanzo, Alberto (2023). Experimental Philosophy and the Origins of Empiricism [Triết học thực nghiệm và nguồn gốc của chủ nghĩa kinh nghiệm] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-1-009-03467-8. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2023.
- Arola, Adam (2011). “40. Native American Philosophy” [40. Triết học Hoa Kỳ bản địa]. Trong Garfield, Jay L.; Edelglass, William (biên tập). The Oxford Handbook of World Philosophy [Sổ tay Oxford về triết học thế giới] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. doi:10.1093/oxfordhb/9780195328998.003.0048. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.
- Audi, Robert (2006). “Philosophy” [Triết học]. Trong Borchert, Donald M. (biên tập). Encyclopedia of Philosophy. 7: Oakeshott - Presupposition [Bách khoa Toàn thư Triết học. 7: Oakeshott - Phỏng định] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2). Thomson Gale, Macmillan Reference. ISBN 978-0-02-865787-5. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Banhatti, G. S. (1995). Life and Philosophy of Swami Vivekananda [Cuộc đời và triết lý của Swami Vivekananda] (bằng tiếng Anh). Atlantic Publishers & Dist. ISBN 978-81-7156-291-6. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Banicki, Konrad (2014). “Philosophy As Therapy: Towards a Conceptual Model” [Triết học như một liệu pháp: Hướng tới một mô hình khái niệm]. Philosophical Papers (bằng tiếng Anh). 43 (1): 7–31. doi:10.1080/05568641.2014.901692. S2CID 144901869. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2022.
- Barsky, Allan E. (2009). Ethics and Values in Social Work: An Integrated Approach for a Comprehensive Curriculum [Đạo đức và Giá trị trong Công tác xã hội: Phương pháp tiếp cận tích hợp cho một chương trình giảng dạy toàn diện] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-971758-3. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2023.
- Bayne, Tim (2018). The Philosophy of Religion: A Very Short Introduction [Triết học tôn giáo: Giới thiệu rất ngắn] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-875496-1.
- Beaney, Michael (2013). The Oxford Handbook of The History of Analytic Philosophy [Sổ tay Oxford về lịch sử triết học phân tích] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-166266-9. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2023.
- Bell, Richard H.; Fernback, Jan (2015). Understanding African Philosophy: A Cross-cultural Approach to Classical and Contemporary Issues [Tìm hiểu triết học châu Phi: Cách tiếp cận đa văn hóa đối với các vấn đề cổ điển và đương đại] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-135-94866-5. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2023.
- Biletzki, Anat; Matar, Anat (2021). “Ludwig Wittgenstein”. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. 3.7. The Nature of Philosophy. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2022.
- Bilimoria, Puruṣottama (2018). History of Indian Philosophy [Lịch sử triết học Ấn Độ] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-0-415-30976-9.
- Bird, Alexander (2010). “The Epistemology of Science—a Bird's-eye View” [Nhận thức luận về khoa học – một cái nhìn toàn cảnh]. Synthese (bằng tiếng Anh). 175 (S1): 5–16. doi:10.1007/s11229-010-9740-4. S2CID 15228491.
- Birner, Betty J. (2012). Introduction to Pragmatics [Giới thiệu về ngữ dụng học] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-1-118-34830-7. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2023.
- Blackburn, Simon W. (2022). “Philosophy of Language” [Triết học ngôn ngữ]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2023.
- Blackburn, Simon W. (2008). The Oxford Dictionary of Philosophy [Từ điển triết học Oxford] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-954143-0.
- Blackson, Thomas A. (2011). Ancient Greek Philosophy: From the Presocratics to the Hellenistic Philosophers [Triết học Hy Lạp cổ đại: Các triết gia từ thời tiền Sokrates đến thời Hy Lạp hóa] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-1-4443-9608-9. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2023.
- Blackwell, Kenneth (2013). The Spinozistic Ethics of Bertrand Russell [Đạo đức học Spinoza của Bertrand Russell] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-135-10711-6. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Blair, J. Anthony; Johnson, Ralph H. (2000). “Informal Logic: An Overview” [Logic phi hình thức: Tổng quan]. Informal Logic (bằng tiếng Anh). 20 (2). doi:10.22329/il.v20i2.2262. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021.
- Bondurant, Joan Valérie (1988). Conquest of Violence: The Gandhian Philosophy of Conflict [Chinh phục bạo lực: Triết lý xung đột Gandhi] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Princeton. ISBN 978-0-691-02281-9.
- Bottin, Francesco (1993). Models of the History of Philosophy: Volume I: From Its Origins in the Renaissance to the 'Historia Philosophica' [Các mô hình lịch sử triết học: Tập I: Từ nguồn gốc trong thời kỳ Phục Hưng đến 'Historia Philosophica'] (bằng tiếng Anh). Springer Science & Business Media. ISBN 978-0-7923-2200-9. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2023.
- Botz-Bornstein, Thorsten (2023). Daoism, Dandyism, and Political Correctness [Đạo giáo, chủ nghĩa công tử và sự đúng đắn chính trị] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học bang New York. ISBN 978-1-4384-9453-1. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Bowle, John Edward; Arneson, Richard J. (2023). “Political Philosophy” [Triết học chính trị]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Boyd, Craig A.; Timpe, Kevin (2021). The Virtues: A Very Short Introduction [Đức hạnh: Giới thiệu rất ngắn] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-258407-6. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2023.
- Brenner, William H. (1993). Logic and Philosophy: An Integrated Introduction [Logic và Triết học: Giới thiệu tổng hợp] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Notre Dame. ISBN 978-0-268-15898-9. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2023.
- Bristow, William (2023). “Enlightenment” [Khai Sáng]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2023.
- Brown, James Robert; Fehige, Yiftach (2019). “Thought Experiments” [Thí nghiệm tưởng tượng]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2021.
- Burns, Elizabeth (2017). What Is This Thing Called Philosophy of Religion? [Đâu là cái gọi là triết học tôn giáo?] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-317-59546-5. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Chalmers, David J. (2015). “Why Isn't There More Progress in Philosophy?” [Tại sao không có thêm bước tiến trong triết học?]. Philosophy (bằng tiếng Anh). 90 (1): 3–31. doi:10.1017/s0031819114000436. hdl:1885/57201. S2CID 170974260. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2022.
- Chamankhah, Leila (2019). The Conceptualization of Guardianship in Iranian Intellectual History (1800–1989): Reading Ibn ʿArabī's Theory of Wilāya in the Shīʿa World [Khái niệm về quyền giám hộ trong Lịch sử trí thức Iran (1800–1989): Đọc Lý thuyết về Wilāya trong Thế giới Shīʿa của Ibn ʿArabī] (bằng tiếng Anh). Springer Nature. ISBN 978-3-030-22692-3. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2023.
- Chambre, Henri; Maurer, Armand; Stroll, Avrum; McLellan, David T.; Levi, Albert William; Wolin, Richard; Fritz, Kurt von (2023). “Western Philosophy” [Triết học phương Tây]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2023.
- Chimakonam, Jonathan O. (2023). “History of African Philosophy” [Lịch sử triết học châu Phi]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2023.
- Clark, Kelly James (2022). “Religious Epistemology” [Nhận thức luận tôn giáo]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2022.
- Coetzee, Pieter Hendrik; Roux, A. P. J. (1998). The African Philosophy Reader [Người đọc triết học châu Phi] (bằng tiếng Anh). Psychology Press. ISBN 978-0-415-18905-7. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Cogan, John. “Phenomenological Reduction, The” [Giảm trừ hiện tượng học]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2022.
- Colman, Andrew M. (2009a). “Declarative Knowledge” [Tri thức mô tả]. A Dictionary of Psychology [Từ điển tâm lý học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-953406-7. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2023.
- Copleston, Frederick (2003). History of Philosophy Volume 1: Greece and Rome [Lịch sử triết học Tập 1: Hy Lạp và La Mã] (bằng tiếng Anh). Continuum. ISBN 978-0-8264-6895-6. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2023.
- Cotterell, Brian (2017). Physics and Culture [Vật lý và Văn hóa] (bằng tiếng Anh). World Scientific. ISBN 978-1-78634-378-9. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2023.
- Coughlin, John J. (2012). Law, Person, and Community: Philosophical, Theological, and Comparative Perspectives on Canon Law [Luật pháp, Con người và Cộng đồng: Các quan điểm triết học, thần học và so sánh về Giáo luật] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-987718-8. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
- Craig, Edward (1998). “Metaphysics” [Siêu hình học]. Routledge Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Routledge. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2023.
- Crary, Alice (2013). “13. Eating and Experimenting on Animals” [13. Sự ăn và thí nghiệm trên động vật]. Trong Petrus, Klaus; Wild, Markus (biên tập). Animal Minds & Animal Ethics [Tâm trí động vật và đạo đức động vật] (bằng tiếng Anh). transcript Verlag. doi:10.1515/transcript.9783839424629.321 (không hoạt động ngày 31 tháng 1 năm 2024). ISBN 978-3-8394-2462-9. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.Quản lý CS1: DOI không hoạt động tính đến 2024 (liên kết)
- Cropper, Carol Marie (26 tháng 12 năm 1997). “Philosophers Find the Degree Pays Off in Life and in Work” [Các nhà triết học nhận thấy bằng cấp có ích trong cuộc sống và công việc]. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2016.
- Crumley, Jack S (2006). A Brief Introduction to the Philosophy of Mind [Giới thiệu tóm tắt về triết học tinh thần] (bằng tiếng Anh). Rowman & Littlefield Publishers. ISBN 978-0-7425-7212-6. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2023.
- Cua, Antonio S. (2009). “The Emergence of the History of Chinese Philosophy” [Sự ra đời của lịch sử triết học Trung Quốc]. Trong Mou, Bo (biên tập). History of Chinese Philosophy [Lịch sử triết học Trung Quốc] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-0-203-00286-5.
- Dalal, Neil (2021). “Śaṅkara”. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2023.
- Daly, Christopher (2015). “Introduction and Historical Overview” [Giới thiệu và tổng quan lịch sử]. The Palgrave Handbook of Philosophical Methods [Sổ tay Palgrave về các phương pháp triết học] (bằng tiếng Anh). Palgrave Macmillan UK. tr. 1–30. doi:10.1057/9781137344557_1. ISBN 978-1-137-34455-7. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022.
- Daly, Christopher (2010). “Introduction” [Giới thiệu]. An Introduction to Philosophical Methods [Nhập môn các phương pháp triết học] (bằng tiếng Anh). Broadview Press. ISBN 978-1-55111-934-2. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2022.
- Daniels, Norman (2020). “Reflective Equilibrium” [Quân bình suy tưởng]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2022.
- Đào Duy Anh (2001) [1932]. Hán-Việt từ điển: Giản yếu. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2024.
- Davis, Bret W. (2022). “The Kyoto School” [Trường phái Kyoto]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2023.
- Defoort, Carine; Standaert, Nicolas (2013). The Mozi as an Evolving Text: Different Voices in Early Chinese Thought [Mặc Tử khi còn đang tiến triển: Những tiếng nói khác nhau trong tư tưởng Trung Hoa thời kỳ đầu] (bằng tiếng Anh). Brill. ISBN 978-90-04-23434-5. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2023.
- Dehsen, Christian von (2013). Philosophers and Religious Leaders [Triết gia và Lãnh đạo Tôn giáo] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-135-95102-3. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2023.
- Dellsén, Finnur; Lawler, Insa; Norton, James (2021). “Thinking about Progress: From Science to Philosophy” [Tư duy về sự tiến bộ: Từ khoa học đến triết học]. Noûs (bằng tiếng Anh). 56 (4): 814–840. doi:10.1111/nous.12383. hdl:11250/2836808. S2CID 235967433.
- Dever, Josh (2016). “What Is Philosophical Methodology?” [Phương pháp luận triết học là gì?]. Trong Cappelen, Herman; Gendler, Tamar Szabó; Hawthorne, John (biên tập). The Oxford Handbook of Philosophical Methodology [Sổ tay Oxford về phương pháp luận triết học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. tr. 3–24. doi:10.1093/oxfordhb/9780199668779.013.34. ISBN 978-0-19-966877-9. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022.
- Dittmer, Joel. “Ethics, Applied” [Luân lý học ứng dụng]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2023.
- Dougherty, Trent (2014). “Faith, Trust, and Testimony” [Đức tin, lòng tin và chứng ngôn]. Religious Faith and Intellectual Virtue (bằng tiếng Anh): 97–123. doi:10.1093/acprof:oso/9780199672158.003.0005. ISBN 978-0-19-967215-8.
- Douven, Igor (2022). “Abduction and Explanatory Reasoning” [Hồi nghiệm và lập luận giải thích]. Oxford Bibliographies (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2023.
- Dowden, Bradley H. (2023). “Fallacies” [Ngụy biện]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
- Dowden, Bradley H. (2020). Logical Reasoning [Lập luận logic] (PDF) (bằng tiếng Anh). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 2 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023. (đối với ấn bản cũ hơn, xem: Dowden, Bradley H. (1993). Logical Reasoning [Lập luận logic] (bằng tiếng Anh). Wadsworth Publishing Company. ISBN 978-0-534-17688-4. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023.)
- Duignan, Brian (2009). “Intuitionism (Ethics)” [Chủ nghĩa trực giác (Đạo đức học)]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2022.
- Duignan, Brian (2010). Ancient Philosophy: From 600 BCE to 500 CE [Triết học cổ đại: Từ 600 TCN đến 500 CN] (bằng tiếng Anh). The Rosen Publishing Group, Inc. ISBN 978-1-61530-141-6. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
- Duignan, Brian biên tập (2012). The Science and Philosophy of Politics [Khoa học và triết học chính trị] (bằng tiếng Anh). Britannica Educational Publishing. ISBN 978-1-61530-748-7. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Duignan, Brian (2019). “Eudaimonia”. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2024.
- Ban biên tập EB (2017). “Chinese Philosophy” [Triết học Trung Quốc]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2023.
- Ban biên tập EB (2023). “History and Periods of Indian Philosophy” [Lịch sử và các giai đoạn của triết học Ấn Độ]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.
- Ban biên tập EB (2020). “Islamic Philosophy” [Triết học Hồi giáo]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2023.
- Ban biên tập EB (2023a). “Philosophy” [Triết học]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2022.
- Ban biên tập EB (2007). “Philosophy of Common Sense” [Triết học về lẽ thường]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2022.
- Ban biên tập EB (2022). “Ordinary Language Analysis” [Phân tích ngôn ngữ thông thường]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2022.
- Eder, Anna-Maria A.; Lawler, Insa; van Riel, Raphael (2020). “Philosophical Methods Under Scrutiny: Introduction to the Special Issue Philosophical Methods” [Các phương pháp triết học dưới sự phân tích kỹ lưỡng: Giới thiệu về ấn bản đặc biệt Các phương pháp triết học]. Synthese (bằng tiếng Anh). 197 (3): 915–923. doi:10.1007/s11229-018-02051-2. ISSN 1573-0964. S2CID 54631297.
- Espín, Orlando O.; Nickoloff, James B. (2007). An Introductory Dictionary of Theology and Religious Studies [Từ điển giới thiệu về thần học và nghiên cứu tôn giáo] (bằng tiếng Anh). Liturgical Press. ISBN 978-0-8146-5856-7. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
- Esposito, John L. (2003). The Oxford Dictionary of Islam [Từ điển Oxford về Hồi giáo] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-512559-7. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Fischer, Eugen; Collins, John (2015). Experimental Philosophy, Rationalism, and Naturalism: Rethinking Philosophical Method [Triết học thực nghiệm, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa tự nhiên: Suy nghĩ lại về phương pháp triết học] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-317-50027-8. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Fisher, Eugen; Sytsma, Justin (2023). “Projects and Methods of Experimental Philosophy” [Các dự án và phương pháp của triết học thực nghiệm]. Trong Bauer, Alexander Max; Kornmesser, Stephan (biên tập). The Compact Compendium of Experimental Philosophy [Quyển tóm tắt nhỏ gọn về triết học thực nghiệm] (bằng tiếng Anh). Walter de Gruyter GmbH & Co KG. ISBN 978-3-11-071702-0. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Fiet, James O. (2022). The Theoretical World of Entrepreneurship [Thế giới lý thuyết về khởi nghiệp] (bằng tiếng Anh). Edward Elgar Publishing. ISBN 978-1-80037-147-7. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
- Flavel, Sarah; Robbiano, Chiara (2023). Key Concepts in World Philosophies: A Toolkit for Philosophers [Những khái niệm then chốt trong các nền triết học thế giới: Bộ công cụ dành cho triết gia] (bằng tiếng Anh). Bloomsbury Publishing. ISBN 978-1-350-16814-5. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2023.
- Forrest, Peter (2021). “The Epistemology of Religion” [Nhận thức luận về tôn giáo]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2022.
- Frankena, William K.; Raybeck, Nathan; Burbules, Nicholas (2002). “Philosophy of Education” [Triết học giáo dục]. Trong Guthrie, James W. (biên tập). Encyclopedia of Education [Bách khoa toàn thư về Giáo dục] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2). Macmillan Reference. ISBN 978-0-02-865594-9.
- Frede, Michael (2022). The Historiography of Philosophy [Chép sử triết học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-884072-5. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2023.
- Gelan, Victor Eugen (2020). “Husserl's Idea of Rigorous Science and its Relevance for the Human and Social Sciences” [Quan niệm của Husserl về khoa học nghiêm ngặt và sự liên quan đối với khoa học xã hội và con người]. The Subject(s) of Phenomenology [(Các) chủ thể của hiện tượng học]. Contributions to Phenomenology (bằng tiếng Anh). 108. Springer International Publishing. tr. 97–105. doi:10.1007/978-3-030-29357-4_6. ISBN 978-3-030-29357-4. S2CID 213082313. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2022.
- Glenney, Brian; Silva, José Filipe (2019). The Senses and the History of Philosophy [Các giác quan và lịch sử triết học] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-351-73106-5. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2023.
- Goffi, Jean-Yves; Roux, Sophie (2011). “On the Very Idea of a Thought Experiment” [Về chính ý tưởng của một thí nghiệm tưởng tượng]. Thought Experiments in Methodological and Historical Contexts (bằng tiếng Anh). Brill: 165–191. doi:10.1163/ej.9789004201767.i-233.35. ISBN 978-90-04-20177-4. S2CID 260640180. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022.
- Gorisse, Marie-Hélène (2023). “Jaina Philosophy” [Triết hoc Kỳ Na]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2023.
- Gracia, Jorge J. E. (1999). Metaphysics and Its Task: The Search for the Categorial Foundation of Knowledge [Siêu hình học và nhiệm vụ của nó: Cuộc tìm kiếm nền tảng phạm trù của tri thức] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học bang New York. ISBN 978-0-7914-4214-2. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
- Gracia, Jorge J. E.; Vargas, Manuel (2018). “Latin American Philosophy” [Triết học Mỹ Latinh]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2023.
- Graham, Jacob N. (2023). “Ancient Greek Philosophy” [Triết học Hy Lạp cổ đại]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2023.
- Grant, Edward (2007). A History of Natural Philosophy: From the Ancient World to the Nineteenth Century [Lịch sử triết học tự nhiên: Từ thế giới cổ đại đến thế kỷ 19] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-86931-7. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2023.
- Grayling, A. C. (2019). The History of Philosophy [Lịch sử triết học] (bằng tiếng Anh). Penguin UK. ISBN 978-0-241-98086-6. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
- Greco, John (2021). “Epistemology” [Tri thức luận]. Routledge Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Routledge. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2023.
- Griffel, Frank (2020). “Al-Ghazali”. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2023.
- Grimm, Stephen R.; Cohoe, Caleb (2021). “What Is Philosophy as a Way of Life? Why Philosophy as a Way of Life?” [Triết học như một lối sống là gì? Tại sao triết học là một lối sống?]. European Journal of Philosophy (bằng tiếng Anh). 29 (1): 236–251. doi:10.1111/ejop.12562. ISSN 1468-0378. S2CID 225504495. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2022.
- Groarke, Leo (2021). “Informal Logic” [Logic phi hình thức]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2021.
- Gutas, Dimitri (2016). “Ibn Sina [Avicenna]”. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2023.
- Guyer, Paul (2014). Kant (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-135-01563-3. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2023.
- Haack, Susan (1978). “1. 'Philosophy of Logics'” [1. 'Triết học về logic']. Philosophy of Logics [Triết học về logic] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-29329-7. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021.
- Haaparanta, Leila; Koskinen, Heikki J. (2012). Categories of Being: Essays on Metaphysics and Logic [Những phạm trù của hữu thể: Các bài luận về siêu hình học và logic] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-989057-6. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
- Hacker, P. M. S. (2013). Wittgenstein: Comparisons and Context [Wittgenstein: Sự so sánh và bối cảnh] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-967482-4. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2023.
- Hadot, Pierre (1995). “11. Philosophy as a Way of Life” [11. Triết học như một lối sống]. Philosophy as a Way of Life: Spiritual Exercises From Socrates to Foucault [Triết học như một lối sống: Những bài tập tâm linh từ Sokrates đến Foucault] (bằng tiếng Anh). Blackwell. ISBN 978-0-631-18033-3. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2022.
- Hansen, Hans (2020). “Fallacies” [Ngụy biện]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2021.
- Heidemann, Dietmar H. (2014). Kant and Non-conceptual Content [Kant và nội dung phi khái niệm] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-317-98155-8. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2023.
- Heil, John Fergusson (2013). Philosophy of Mind: A Contemporary Introduction [Triết học tinh thần: Giới thiệu đương đại] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 3). Routledge. ISBN 978-0-415-89175-2.
- Herbjørnsrud, Dag (2021). “The Quest for a Global Age of Reason” [Nhiệm vụ cho một thời đại lý trí toàn cầu]. Dialogue and Universalism (bằng tiếng Anh). 31 (3): 113–131. doi:10.5840/du202131348. ISSN 1234-5792.
- Herbjørnsrud, Dag (2023). “Preface” [Lời nói đầu]. Trong Lee, Ralph; Worku, Mehari; Belcher, Wendy Laura (biên tập). The Hatata Inquiries [Những tra vấn Hatata] (bằng tiếng Anh). De Gruyter. tr. IX–XIV. doi:10.1515/9783110781922-203. ISBN 978-3-11-078192-2.
- Hetherington, Stephen. “Knowledge” [Tri thức]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). § 3c. Knowing Purely by Thinking. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2023.
- Hintikka, Jaakko J. (2019). “Philosophy of Logic” [Triết học về logic]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2021.
- Hirschmann, Nancy (2008). “8. Feminist Political Philosophy” [8. Triết học chính trị nữ quyền]. Trong Kittay, Eva Feder; Alcoff, Linda Martín (biên tập). The Blackwell Guide to Feminist Philosophy [Sách dẫn Blackwell về Triết học Nữ quyền] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-0-470-69538-8. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2023.
- Hoad, T. F. (1993). The Concise Oxford Dictionary of English Etymology [Từ điển Oxford ngắn gọn về từ nguyên tiếng Anh] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 0-19-283098-8.
- Howard, Dick (2010). The Primacy of the Political: A History of Political Thought From the Greeks to the French and American Revolutions [Tính ưu việt của chính trị: Lịch sử tư tưởng chính trị từ người Hy Lạp đến các cuộc cách mạng Pháp và Mỹ] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Columbia. ISBN 978-0-231-13595-5.
- Hursthouse, Rosalind; Pettigrove, Glen (2022). “Virtue Ethics” [Luân lý học phẩm hạnh]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2023.
- Hylton, Peter; Kemp, Gary (2020). “Willard Van Orman Quine: 3. The Analytic-Synthetic Distinction and the Argument Against Logical Empiricism” [Willard Van Orman Quine: 3. Sự khác biệt giữa phân tích-tổng hợp và luận cứ chống lại chủ nghĩa kinh nghiệm logic]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2022.
- Ichikawa, Jonathan (2011). “Chris Daly: An Introduction to Philosophical Methods” [Chris Daly: Giới thiệu về các phương pháp triết học]. Notre Dame Philosophical Reviews (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2022.
- Ichikawa, Jonathan Jenkins; Steup, Matthias (2018). “The Analysis of Knowledge” [Sự phân tích về tri thức]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2023.
- Ifantidou, Elly (2014). Pragmatic Competence and Relevance [Năng lực và sự xác đáng thực dụng] (bằng tiếng Anh). John Benjamins Publishing Company. ISBN 978-90-272-7037-5. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2023.
- Ingarden, Roman (1975). “The Concept of Philosophy as Rigorous Science” [Khái niệm về triết học như một môn khoa học nghiêm ngặt]. On the Motives which led Husserl to Transcendental Idealism [Về những động cơ đưa Husserl tới Chủ nghĩa Duy tâm Siêu việt]. Phaenomenologica (bằng tiếng Anh). 64. Springer Netherlands. tr. 8–11. doi:10.1007/978-94-010-1689-6_3. ISBN 978-94-010-1689-6. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2022.
- Jacobs, James M. (2022). Seat of Wisdom: An Introduction to Philosophy in the Catholic Tradition [Địa vị của Trí tuệ: Dẫn nhập vào Triết học trong Truyền thống Công giáo] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Công giáo Hoa Kỳ. ISBN 978-0-8132-3465-6. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2023.
- Janaway, C. (2005). “Aesthetics, History of” [Lịch sử mỹ học]. Trong Honderich, Ted (biên tập). The Oxford Companion to Philosophy [Sổ tay Oxford về triết học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-926479-7. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2022.
- Jaroszyński, Piotr (2018). Metaphysics or Ontology? [Siêu hình học hay bản thể học?] (bằng tiếng Anh). Brill. ISBN 978-90-04-35987-1. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2023.
- Jeanes, Emma (2019). A Dictionary of Organizational Behaviour [Từ điển về hành vi tổ chức] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-252756-1. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2023.
- Jenicek, Milos (2018). How to Think in Medicine: Reasoning, Decision Making, and Communication in Health Sciences and Professions [Cách tư duy trong y học: Lý luận, ra quyết định và giao tiếp trong khoa học và ngành nghề sức khỏe] (bằng tiếng Anh). CRC Press. ISBN 978-1-351-68402-6. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2023.
- Jha, Meenakshi (2022). Subaltern Saints in India: Women and Sudras in Bhakti Movement [Các vị thánh hạ đẳng ở Ấn Độ: Phụ nữ và người Sudra trong Phong trào Bhakti] (bằng tiếng Anh). Motilal Banarsidass. ISBN 978-81-208-4299-1. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Jiang, Xinyan (2009). “Enlightenment Movement” [Phong trào Khai Sáng]. Trong Mou, Bo (biên tập). History of Chinese Philosophy [Lịch sử triết học Trung Quốc] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-0-203-00286-5.
- Johnson, Ralph H. (1999). “The Relation Between Formal and Informal Logic” [Quan hệ giữa logic hình thức và phi hình thức]. Argumentation (bằng tiếng Anh). 13 (3): 265–274. doi:10.1023/A:1007789101256. S2CID 141283158. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2022.
- Johnson-Laird, Phil (2009). “Deductive Reasoning” [Lập luận suy diễn]. WIREs Cognitive Science (bằng tiếng Anh). 1 (1): 8–17. doi:10.1002/wcs.20. ISSN 1939-5078. PMID 26272833. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023.
- Johnstone, Albert A. (1991). Rationalized Epistemology: Taking Solipsism Seriously [Nhận thức luận hợp lý hóa: Nghiêm túc xem xét thuyết duy ngã] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học bang New York. ISBN 978-0-7914-0787-5. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2023.
- Joll, Nicholas. “Metaphilosophy” [Siêu triết học]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2022.
- Jones, Campbell; Bos, René ten (2007). Philosophy and Organization [Triết học và tổ chức] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-134-19659-3. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2023.
- Kakas, Antonis C.; Sadri, Fariba (2003). Computational Logic: Logic Programming and Beyond: Essays in Honour of Robert A. Kowalski, Part II [Logic tính toán: Lập trình logic và hơn thế nữa: Các bài luận vinh danh Robert A. Kowalski, Phần II] (bằng tiếng Anh). Springer. ISBN 978-3-540-45632-2. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2023.
- Kaminski, Joseph J. (2017). The Contemporary Islamic Governed State: A Reconceptualization [Nhà nước do Hồi giáo đương đại cai trị: Tái khái niệm hóa] (bằng tiếng Anh). Springer. ISBN 978-3-319-57012-9. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
- Kanayama, Yasuhira (2017). “The Birth of Philosophy as 哲學 (Tetsugaku) in Japan” [Sự khai sinh của triết học như là 哲學 (Tetsugaku) ở Nhật Bản] (PDF). Tetsugaku (bằng tiếng Anh). Hội Triết học Nhật Bản. 1: 169–183. ISSN 2432-8995. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 21 tháng 4 năm 2018. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2024.
- Kane, Robert (2009). “Free Will” [Ý chí tự do]. Trong Kim, Jaekwon; Sosa, Ernest; Rosenkrantz, Gary S. (biên tập). A Companion to Metaphysics [Sổ tay siêu hình học] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-1-4443-0853-2. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Kant, Immanuel (1992) [1800]. Lectures on Logic [Các bài giảng về logic] (bằng tiếng Anh). J. Michael Young biên dịch. Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-36013-5.
- Kant, Immanuel (1998). Paul Guyer và Allen W. Wood (biên tập). Critique of Pure Reason [Phê phán lý trí thuần túy] (bằng tiếng Anh). Paul Guyer và Allen W. Wood biên dịch. Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-35402-8.
- Kasulis, Thomas P. (1998). “Japanese philosophy” [Triết học Nhật Bản]. Routledge Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Routledge. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2023.
- Kasulis, Thomas P. (2022). “Japanese Philosophy” [Triết học Nhật Bản]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2023.
- Kelly, Michael biên tập (1998). Encyclopedia of Aesthetics [Bách khoa toàn thư về Mỹ học] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 1). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-511307-5.
- Kenny, Anthony (2004). A New History of Western Philosophy, vol.1: Ancient Philosophy [Lịch sử mới của triết học phương Tây, tập 1: Triết học cổ đại] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-875272-1.
- Kenny, Anthony (2006). The Rise of Modern Philosophy [Sự trỗi dậy của triết học hiện đại]. A new history of Western philosophy (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 1). Clarendon Press. ISBN 978-0-19-875277-6.
- Kenny, Anthony (2018). An Illustrated Brief History of Western Philosophy, 20th Anniversary Edition [Tóm tắt minh họa về lịch sử triết học phương Tây, ấn bản kỷ niệm 20 năm] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-1-119-45279-9. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2023.
- Kim, Sungmoon (2019). Theorizing Confucian Virtue Politics: The Political Philosophy of Mencius and Xunzi [Lý luận chính trị đạo đức Nho giáo: Triết lý chính trị của Mạnh Tử và Tuân Tử] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-1-108-57739-7. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2023.
- Kitcher, Philip S. (2023). “Philosophy of Science” [Triết học khoa học]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Koslowski, Barbara (2017). “Abductive Reasoning and Explanation” [Lập luận và giảng giải hồi nghiệm]. International Handbook of Thinking and Reasoning [Cẩm nang quốc tế về tư duy và lý luận] (bằng tiếng Anh). Routledge. doi:10.4324/9781315725697. ISBN 978-1-315-72569-7. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023.
- Kuhlmann, Meinard (2010). “Ontologie: 4.2.1. Einzeldinge und Universalien” [Bản thể học: 4.2.1. Đặc thù và phổ quát]. Trong Sandkühler, Hans Jörg (biên tập). Enzyklopädie Philosophie [Bách khoa toàn thư triết học] (bằng tiếng Đức). Meiner. ISBN 978-3-7873-3545-9.
- Kulke, Hermann; Rothermund, Dietmar (1998). A History of India [Lịch sử Ấn Độ] (bằng tiếng Anh). Psychology Press. ISBN 978-0-415-15482-6. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Laerke, Mogens; Smith, Justin E. H.; Schliesser, Eric (2013). Philosophy and Its History: Aims and Methods in the Study of Early Modern Philosophy [Triết học và lịch sử của nó: Mục đích và phương pháp nghiên cứu triết học hiện đại sơ khởi] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-985716-6.
- Lagerlund, Henrik biên tập (2020). Encyclopedia of Medieval Philosophy: Philosophy Between 500 and 1500 [Bách khoa toàn thư về triết học thời trung cổ: Triết học từ năm 500 đến năm 1500] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2). Springer. ISBN 978-94-024-1663-3.
- Lambert, Joseph (2023). Translation Ethics [Đạo đức dịch thuật] (bằng tiếng Anh). Taylor & Francis. ISBN 978-1-000-84163-3. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2023.
- Lazerowitz, Morris; Ambrose, Alice (2012). Philosophical Theories [Các lý thuyết triết học] (bằng tiếng Anh). Walter de Gruyter. ISBN 978-3-11-080708-0. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2023.
- Legg, Catherine; Hookway, Christopher (2021). “Pragmatism” [Chủ nghĩa thực dụng]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2022.
- Li, Wei (2014). Mathematical Logic: Foundations for Information Science [Logic toán học: Nền tảng cho khoa học thông tin] (bằng tiếng Anh). Springer. ISBN 978-3-0348-0862-0. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2023.
- Lippert-Rasmussen, Kasper (2017). “The Nature of Applied Philosophy” [Bản tính của triết học ứng dụng]. Trong Lippert-Rasmussen, Kasper; Brownlee, Kimberley; Coady, David (biên tập). A Companion to Applied Philosophy [Sổ tay triết học ứng dụng] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-1-118-86911-6.
- Little, Daniel (1984). “Reflective Equilibrium and Justification” [Quân bình suy tưởng và sự biện minh]. Southern Journal of Philosophy (bằng tiếng Anh). 22 (3): 373–387. doi:10.1111/j.2041-6962.1984.tb00354.x. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022.
- Littlejohn, Ronnie (2023). “Chinese Philosophy: Overview of History” [Triết học Trung Quốc: Tổng quan về lịch sử]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2023.
- Livingston, Paul M. (2017). “Twentieth-century philosophy” [Triết học thế kỷ 20]. Routledge Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Routledge. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.
- Lockie, Robert (2015). “Is Philosophy Useless?” [Triết học có vô ích không?]. The Philosophers' Magazine (bằng tiếng Anh) (71): 24–28. doi:10.5840/tpm20157197. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- Long, A. A. (1986). Hellenistic Philosophy: Stoics, Epicureans, Sceptics [Triết học Hy Lạp: những nhà khắc kỷ, hưởng lạc và hoài nghi] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học California. ISBN 978-0-520-05808-8. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2023.
- Losee, John (2001). A Historical Introduction to the Philosophy of Science [Giới thiệu lịch sử về triết học khoa học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-870055-5. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Louth, Andrew; Thielicke, Helmut (2014). “Theology: Relationship to Philosophy” [Thần học: Mối quan hệ với triết học]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Lowe, E. Jonathan (2000). An Introduction to the Philosophy of Mind [Giới thiệu về triết học tinh thần] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-65428-9. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2023.
- Lowe, E. Jonathan (2005). “Particulars and Non-particulars” [Cái đặc thù và không đặc thù]. Trong Honderich, Ted (biên tập). The Oxford Companion to Philosophy [Sổ tay Oxford về triết học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-926479-7. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2022.
- Ma, Licheng (2015). Leading Schools of Thought in Contemporary China [Các trường phái tư tưởng hàng đầu ở Trung Quốc đương đại] (bằng tiếng Anh). World Scientific. ISBN 978-981-4656-40-5. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2023.
- MacDonald, Scott; Kretzmann, Norman (1998). “Medieval philosophy” [Triết học Trung Cổ]. Routledge Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Routledge. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2023.
- Maddy, Penelope (2022). A Plea for Natural Philosophy: And Other Essays [Một lời kêu gọi cho triết học tự nhiên: Và các bài luận khác] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-750885-5. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2023.
- Maffie, James. “Aztec Philosophy” [Triết học Aztec]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.
- Makeham, J. (2003). New Confucianism: A Critical Examination [Một cuộc suy xét phê phán] (bằng tiếng Anh). Springer. ISBN 978-1-4039-8241-4. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Mangena, Fainos. “Hunhu/Ubuntu in Traditional Southern African Thought” [Hunhu/Ubuntu trong tư tưởng truyền thống Nam Phi]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2023.
- Marenbon, John (2023). “Medieval Philosophy” [Triết học Trung Cổ]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2023.
- Marshev, Vadim I. (2021). History of Management Thought: Genesis and Development From Ancient Origins to the Present Day [Lịch sử tư tưởng quản lý: Sự hình thành và phát triển từ nguồn gốc xa xưa cho đến ngày nay] (bằng tiếng Anh). Springer Nature. ISBN 978-3-030-62337-1. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2023.
- Martinich, A.P.; Stroll, Avrum (2023). “Epistemology” [Tri thức luận]. Encyclopædia Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2020.
- Masud, Muhammad Khalid (2009). Islam and Modernity: Key Issues and Debates [Hồi giáo và tính hiện đại: Những vấn đề và tranh luận chính] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Edinburgh. ISBN 978-0-7486-3794-2. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- McAfee, Noëlle (2018). “Feminist Philosophy” [Triết học nữ quyền]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2023.
- McAfee, Noëlle; Garry, Ann; Superson, Anita; Grasswick, Heidi; Khader, Serene (2023). “Feminist Philosophy” [Triết học nữ quyền]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2023.
- McCutcheon, Russell T. (2014). Studying Religion: An Introduction [Nghiên cứu tôn giáo: Giới thiệu] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-317-49166-8. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- McDermid, Douglas. “Pragmatism” [Chủ nghĩa thực dụng]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2022.
- McKeon, R. (2002). “Methodology (Philosophy)” [Phương pháp luận (Triết học)]. New Catholic Encyclopedia [Bách khoa toàn thư Công giáo mới] (bằng tiếng Anh). Gale Research Inc. ISBN 978-0-7876-4004-0. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022.
- McQueen, Paddy (2010). Key Concepts in Philosophy [Các khái niệm chính trong triết học] (bằng tiếng Anh). Bloomsbury Publishing. ISBN 978-1-137-09339-4. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- McQuillan, J. Colin (2015). Early Modern Aesthetics [Mỹ học hiện đại thời kỳ đầu] (bằng tiếng Anh). Rowman & Littlefield. ISBN 978-1-78348-213-9. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Meister, Chad. “Philosophy of Religion” [Triết học tôn giáo]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Menon, Sangeetha. “Vedanta, Advaita”. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2023.
- Mehrtens, Arnd (2010). “Methode/Methodologie” [Phương pháp/Phương pháp luận]. Trong Sandkühler, Hans Jörg (biên tập). Enzyklopädie Philosophie [Bách khoa toàn thư triết học] (bằng tiếng Đức). Meiner. ISBN 978-3-7873-3545-9. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2022.
- Mill, John Stuart (1863). Utilitarianism [Chủ nghĩa vị lợi]. Parker, Son, and Bourn. OCLC 78070085. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2022.
- Mitias, Michael H. (11 tháng 3 năm 2022). The Philosophical Novel as a Literary Genre [Tiểu thuyết triết lý với tư cách một thể loại văn học] (bằng tiếng Anh). Springer Nature. ISBN 978-3-030-97385-8. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2023.
- Mittelstraß, Jürgen (2005). “Philosophie” [Triết học]. Enzyklopädie Philosophie und Wissenschaftstheorie [Bách khoa toàn thư về triết học và triết học khoa học] (bằng tiếng Đức). Metzler. ISBN 978-3-476-02107-6. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2022.
- Moaddel, Mansoor (2005). Islamic Modernism, Nationalism, and Fundamentalism: Episode and Discourse [Chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cơ yếu Hồi giáo: Tình tiết và diễn ngôn] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Chicago. ISBN 978-0-226-53333-9. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2023.
- Molefe, Motsamai; Allsobrook, Christopher (2021). Towards an African Political Philosophy of Needs [Hướng tới một triết lý chính trị châu Phi về nhu cầu] (bằng tiếng Anh). Springer Nature. ISBN 978-3-030-64496-3. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Morujão, Carlos; Dimas, Samuel; Relvas, Susana (7 tháng 9 năm 2021). The Philosophy of Ortega y Gasset Reevaluated [Triết lý của Ortega y Gasset đánh giá lại] (bằng tiếng Anh). Springer Nature. ISBN 978-3-030-79249-7. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2023.
- Moseley, Alexander. “Political Philosophy: Methodology” [Triết học chính trị: Phương pháp]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Mulvaney, Robert J. (2009). Classical Philosophical Questions [Các câu hỏi triết học cổ điển] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 13). Prentice Hall. ISBN 978-0-13-600652-7.
- Murphy, P. Karen (2018). Rediscovering the Philosophical Roots of Educational Psychology: A Special Issue of educational Psychologist [Tìm lại cội nguồn triết lý của tâm lý giáo dục: Một vấn đề đặc biệt của nhà tâm lý giáo dục] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-135-06617-8. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.
- Nado, Jennifer (2017). “How to Think About Philosophical Methodology” [Cách thức tư duy về phương pháp triết học]. Journal of Indian Council of Philosophical Research (bằng tiếng Anh). 34 (3): 447–463. doi:10.1007/s40961-017-0116-8. ISSN 2363-9962. S2CID 171569977. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022.
- Nagel, Thomas (2006). “Ethics” [Luân lý học]. Trong Borchert, Donald M. (biên tập). Encyclopedia of Philosophy. 3: Determinables–Fuzzy Logic [Bách khoa Toàn thư Triết học. 3: Cái xác định–Logic mờ] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2). Thomson Gale, Macmillan Reference. ISBN 978-0-02-866072-1.
- Nanay, Bence (2019). Aesthetics: A Very Short Introduction [Mỹ học: Giới thiệu rất ngắn] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-882661-3.
- Nasr, Seyyed Hossein; Leaman, Oliver (2013). History of Islamic Philosophy [Lịch sử triết học Hồi giáo] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-136-78043-1. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2023.
- Nasr, Seyyed Hossein (2006). Islamic Philosophy From Its Origin to the Present: Philosophy in the Land of Prophecy [Triết học Hồi giáo từ nguồn gốc đến hiện tại: Triết học ở vùng đất tiên tri] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học bang New York. ISBN 978-0-7914-6800-5. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2023.
- Newton-Smith, W. H. (2000). “Introduction” [Giới thiệu]. Trong W. H. Newton-Smith (biên tập). A Companion to the Philosophy of Science [Sổ tay về triết học khoa học] (bằng tiếng Anh). Blackwell. ISBN 978-0-631-23020-5.
- Nievergelt, Yves (2015). Logic, Mathematics, and Computer Science: Modern Foundations With Practical Applications [Logic, Toán học và Khoa học Máy tính: Nền tảng hiện đại với các ứng dụng thực tế] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2). Springer. ISBN 978-1-4939-3222-1.
- Nunes, Terezinha (2011). “Logical Reasoning and Learning” [Lập luận logic và học tập]. Trong Seel, Norbert M. (biên tập). Encyclopedia of the Sciences of Learning [Bách khoa toàn thư về khoa học học tập] (bằng tiếng Anh). Springer Science & Business Media. ISBN 978-1-4419-1427-9. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023.
- Nuttall, Jon (2013). “1. The Nature of Philosophy” [1. Bản chất của triết học]. An Introduction to Philosophy [Giới thiệu triết học] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-0-7456-6807-9. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2022.
- Ban biên tập OED (2022). “Philosophy, n.”. Oxford English Dictionary (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 3). Nhà xuất bản Đại học Oxford. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Olsson, Erik (2021). “Coherentist Theories of Epistemic Justification” [Các lý thuyết cố kết về sự biện minh nhận thức]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2023.
- Ban biên tập OUP (2020). “Philosophy” [Triết học]. Lexico (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2019.
- Overgaard, Søren; D'Oro, Giuseppina (2017). “Introduction” [Giới thiệu]. The Cambridge Companion to Philosophical Methodology [Sổ tay Cambridge về phương pháp triết học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-1-107-54736-0. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022.
- Overgaard, Søren; Gilbert, Paul; Burwood, Stephen (2013). “What Is Philosophy?” [Triết học là gì?]. An Introduction to Metaphilosophy [Giới thiệu về siêu triết học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-19341-2. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2022.
- Palmquist, Stephen (2010). Cultivating Personhood: Kant and Asian Philosophy [Tu dưỡng nhân cách: Kant và triết học châu Á] (bằng tiếng Anh). Walter de Gruyter. ISBN 978-3-11-022623-2. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2023.
- Papineau, David (2005). “Science, Problems of the Philosophy of” [Các vấn đề của triết học khoa học]. Trong Honderich, Ted (biên tập). The Oxford Companion to Philosophy [Sổ tay Oxford về triết học] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-926479-7. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2023.
- Papineau, David (2023). “Naturalism” [Chủ nghĩa tự nhiên]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2023.
- Parker-Ryan, Sally. “Ordinary Language Philosophy” [Triết học ngôn ngữ thông thường]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2022.
- Parkinson, G. H. R. biên tập (2005). IV. The Renaissance and Seventeenth-Century Rationalism [IV. Chủ nghĩa duy lý thời Phục hưng và thế kỷ 17]. Routledge History of Philosophy (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-0-203-02914-5.
- Perkins, Dorothy (2013). Encyclopedia of China: History and Culture [Bách khoa toàn thư về Trung Quốc: Lịch sử và văn hóa] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-135-93562-7. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Perrett, Roy W. (2016). An Introduction to Indian Philosophy [Nhập môn triết học Ấn Độ] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-85356-9. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2023.
- Perry, John; Bratman, Michael; Fischer, John Martin (2010). Introduction to Philosophy: Classical and Contemporary Readings [Nhập môn Triết học: Sách đọc Cổ điển và Đương đại] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 5). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-539036-0. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2023.
- Phillips, D. C. (2010). “What Is Philosophy of Education?” [Triết học giáo dục là gì?]. Trong Bailey, Richard; Barrow, Robin; Carr, David; McCarthy, Christine (biên tập). The SAGE Handbook of Philosophy of Education [Cẩm nang SAGE về triết học giáo dục] (bằng tiếng Anh). SAGE. ISBN 978-1-4462-0697-3. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2023.
- Phillips, Stephen H. (1998). Classical Indian Metaphysics: Refutations of Realism and the Emergence of New Logic [Siêu hình học cổ điển Ấn Độ: Sự bác bỏ chủ nghĩa hiện thực và sự xuất hiện của logic mới] (bằng tiếng Anh). Motilal Banarsidass. ISBN 978-81-208-1488-2. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2024.
- Pipes, Richard (2020). “Reflections on the Russian Revolution” [Những suy ngẫm về Cách mạng Nga]. Trong Stockdale, Melissa K. (biên tập). Readings on the Russian Revolution [Các bài đọc về Cách mạng Nga] (bằng tiếng Anh). Bloomsbury Publishing. ISBN 978-1-350-03743-4. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Plato (2023) [1871]. “Apology” [Tự biện]. Dialogues [Những cuộc đối thoại] (bằng tiếng Anh). Jowett, Benjamin biên dịch. Standard Ebooks. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.
- Pojman, Louis P. (2009). “I. What Is Philosophy?” [I. Triết học là gì?]. Trong Pojman, Louis P.; Vaughn, Lewis (biên tập). Philosophy: The Quest for Truth [Triết học: Cuộc tìm kiếm chân lý] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 7). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-998108-3.
- Polger, Thomas W. “Functionalism” [Chủ nghĩa chức năng]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2023.
- Pooley, Jefferson D.; Rothenbuhler, Eric W. (2016). The International Encyclopedia of Communication Theory and Philosophy, 4 Volume Set [Bách khoa toàn thư quốc tế về lý thuyết và triết học giao tiếp, bộ 4 tập] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-1-118-29073-6. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2023.
- Pratt, Menah (15 tháng 9 năm 2023). “The Personal Evolution of a Critical Black Girl Feminist Identity: A Philosophical Autoethnographic Journey” [Sự tiến hóa cá nhân về bản sắc nữ quyền phê phán của một cô gái da đen: Hành trình tự sự dân tộc học triết lý]. Trong Grant, Alec (biên tập). Writing Philosophical Autoethnography [Viết nên tự sự dân tộc học triết lý] (bằng tiếng Anh). Taylor & Francis. ISBN 978-1-000-95761-7. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2023.
- Qi, Xiaoying (2014). Globalized Knowledge Flows and Chinese Social Theory [Dòng chảy tri thức toàn cầu hóa và lý thuyết xã hội Trung Quốc] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-134-69162-3. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2023.
- Quinton, Anthony Meredith (2005). “Philosophy” [Triết học]. Trong Honderich, Ted (biên tập). The Oxford Companion to Philosophy [Sổ tay Oxford về triết học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-926479-7. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2022.
- Rambachan, Anantanand (1994). The Limits of Scripture: Vivekananda's Reinterpretation of the Vedas [Những giới hạn của Kinh thánh: Sự diễn giải lại kinh Vệ-đà của Vivekananda] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Hawaii. ISBN 978-0-8248-1542-4. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2023.
- Ramos, Christine Carmela R. (2004). Introduction to Philosophy [Nhập môn Triết học] (bằng tiếng Anh). Rex Bookstore, Inc. ISBN 978-971-23-3955-4. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2023.
- Ranganathan, Shyam. “Ramanuja”. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.
- Redse, Arne (2015). 'Justification by Grace Alone' Facing Confucian Self-Cultivation: The Christian Doctrine of Justification Contextualized to New Confucianism ['Sự biện minh chỉ bằng ân sủng' đối mặt với sự tu dưỡng bản thân của Nho giáo: Học thuyết Cơ đốc giáo về sự biện minh, bối cảnh hóa cho Nho giáo mới] (bằng tiếng Anh). Brill. ISBN 978-90-04-30258-7. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Regenbogen, Arnim (2010). “Philosophiebegriffe” [Thuật ngữ triết học]. Trong Sandkühler, Hans Jörg (biên tập). Enzyklopädie Philosophie [Bách khoa toàn thư triết học] (bằng tiếng Đức). Meiner. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2022.
- Rescher, Nicholas (2014). Metaphilosophy: Philosophy in Philosophical Perspective [Siêu hình học: Triết học trong quan điểm triết học] (bằng tiếng Anh). Lexington Books. ISBN 978-0-7391-9978-7. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2023.
- Rescher, Nicholas (2013). “1. The Nature of Philosophy” [1. Bản chất của triết học]. On the Nature of Philosophy and Other Philosophical Essays [Về bản tính của triết học và các bài luận triết học khác] (bằng tiếng Anh). Walter de Gruyter. ISBN 978-3-11-032020-6. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2022.
- Reynolds, Jack (2010). “Common Sense and Philosophical Methodology: Some Metaphilosophical Reflections on Analytic Philosophy and Deleuze” [Lương thức và phương pháp luận triết học: Một số suy ngẫm siêu hình học về triết học phân tích và Deleuze]. The Philosophical Forum (bằng tiếng Anh). 41 (3): 231–258. doi:10.1111/j.1467-9191.2010.00361.x. hdl:10536/DRO/DU:30061043. ISSN 0031-806X. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022.
- Rickles, Dean (2020). What Is Philosophy of Science? [Triết học khoa học là gì?] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-1-5095-3418-0. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Riedel, Tom (1999). “[Review:] Encyclopedia of Aesthetics” [[Đánh giá:] Bách khoa toàn thư về Mỹ học] (PDF). Art Documentation (bằng tiếng Anh). 18 (2). doi:10.1086/adx.18.2.27949030. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 13 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Rini, Regina A. “Morality and Cognitive Science” [Khoa học đạo đức và nhận thức]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.
- Rivera Berruz, Stephanie (2019). “The Quest for Recognition: the Case of Latin American Philosophy” [Cuộc tìm kiếm sự thừa nhận: Trường hợp của triết học Mỹ Latinh]. Comparative Philosophy (bằng tiếng Anh). 10 (2). doi:10.31979/2151-6014(2019).100206.
- Rizvi, Sajjad (2021). “Mulla Sadra”. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2023.
- Robertson Ishii, Teresa; Atkins, Philip (2023). “Essential vs. Accidental Properties” [Thuộc tính bản chất và ngẫu nhiên]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Phần mở đầu. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
- Rosenberg, Alex (2013). Philosophy of Science: A Contemporary Introduction [Triết học khoa học: Giới thiệu đương đại] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-134-74350-6. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Ruether, Rosemary Radford (2004). Integrating Ecofeminism, Globalization, and World Religions [Tích hợp chủ nghĩa nữ quyền sinh thái, toàn cầu hóa và tôn giáo thế giới] (bằng tiếng Anh). Rowman & Littlefield Publishers. ISBN 978-1-4616-3822-3. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.
- Russell, Bertrand (1912). The Problems of Philosophy [Các vấn đề của triết học] (bằng tiếng Anh). H. Holt and Company. OCLC 542749.
- Russell, Gillian; Fara, Delia Graff (2013). Routledge Companion to Philosophy of Language [Sổ tay Routledge về triết học ngôn ngữ] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-136-59407-6. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Safi, Omid (2005). “Modernism: Islamic Modernism” [Chủ nghĩa hiện đại: Chủ nghĩa hiện đại Hồi giáo]. Encyclopedia of Religion [Bách khoa toàn thư về Tôn giáo] (bằng tiếng Anh). Macmillan Reference USA. ISBN 978-0-02-865733-2. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Santinello, Giovanni; Piaia, Gregorio (2010). Models of the History of Philosophy: Volume II: From Cartesian Age to Brucker [Các mô hình lịch sử triết học: Tập II: Từ thời Descartes đến Brucker] (bằng tiếng Anh). Springer Science & Business Media. ISBN 978-90-481-9507-7. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
- Sartwell, Crispin (2022). “Beauty” [Cái đẹp]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Phần mở đầu, 1. Objectivity and Subjectivity. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Sayre-McCord, Geoff (2023). “Metaethics” [Siêu luân lý học]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2023.
- Scharfstein, Ben-Ami (1998). A Comparative History of World Philosophy: From the Upanishads to Kant [Lịch sử so sánh của triết học thế giới: Từ Áo nghĩa thư đến Kant] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học bang New York. ISBN 978-0-7914-3683-7. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
- Schroeder, Mark (2021). “Value Theory” [Lý thuyết giá trị]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2021.
- Seshadri, Kandadai (1996). “Ramanuja: Social Influence of His Life and Teaching” [Ramanuja: Ảnh hưởng xã hội của cuộc đời và những lời dạy của ông]. Economic and Political Weekly (bằng tiếng Anh). 31 (5): 292–298. ISSN 0012-9976. JSTOR 4403749. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Shaffer, Michael J. (2015). “The Problem of Necessary and Sufficient Conditions and Conceptual Analysis” [Vấn đề điều kiện cần, đủ và phân tích khái niệm]. Metaphilosophy (bằng tiếng Anh). 46 (4/5): 555–563. doi:10.1111/meta.12158. ISSN 0026-1068. JSTOR 26602327. S2CID 148551744. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2022.
- Shand, John (2004). Fundamentals of Philosophy [Các vấn đề cơ bản của triết học] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-134-58831-2. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2023.
- Sharpe, Matthew; Ure, Michael (2021). Philosophy as a Way of Life: History, Dimensions, Directions [Triết học như một lối sống: Lịch sử, chiều kích, phương hướng] (bằng tiếng Anh). Bloomsbury Publishing. ISBN 978-1-350-10216-3. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2023.
- Shaw, Yu-ming (2019). Changes and Continuities in Chinese Communism: Volume I: Ideology, Politics, and Foreign Policy [Những thay đổi và tính liên tục trong chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc: Tập I: Tư tưởng, Chính trị và Chính sách đối ngoại] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-0-429-71285-2. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Shields, Christopher (2022). “Aristotle”. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2023.
- Shiraev, Eric (2010). A History of Psychology: A Global Perspective [Lịch sử tâm lý học: Một góc nhìn toàn cầu] (bằng tiếng Anh). SAGE. ISBN 978-1-4129-7383-0. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2023.
- Kane, Robert (2013). “7.1. Incompatibilism” [7.1. Chủ nghĩa không tương thích]. Trong Sider, Theodore; Hawthorne, John; Zimmerman, Dean W. (biên tập). Contemporary Debates in Metaphysics [Những tranh luận đương đại về siêu hình học] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-1-118-71232-0. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Silverman, Hugh J.; Welton, Donn (1988). Postmodernism and Continental Philosophy [Chủ nghĩa hậu hiện đại và triết học lục địa] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học bang New York. ISBN 978-0-88706-521-7. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2023.
- Simpson, John A. (2002). “Philosophy” [Triết học]. Oxford English Dictionary: Version 3.0: Upgrade Version [Từ điển tiếng Anh Oxford: Phiên bản 3.0 Nâng cấp] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-521889-3.
- Singer, Marcus G. (1974). “The Many Methods of Sidgwick's Ethics” [Nhiều phương pháp đạo đức của Sidgwick]. Monist (bằng tiếng Anh). 58 (3): 420–448. doi:10.5840/monist197458326.
- Singh, Rana P. B. (2014). “3. Rethinking Development in India”. Trong Simon, David; Narman, Anders (biên tập). Development as Theory and Practice: Current Perspectives on Development and Development Co-operation [Phát triển dưới góc độ lý thuyết và thực tiễn: Quan điểm hiện nay về phát triển và hợp tác phát triển] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-317-87658-8. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.
- Slingerland, Edward (2007). Effortless Action: Wu-wei As Conceptual Metaphor and Spiritual Ideal in Early China [Hành động dễ dàng: Vô vi dưới hình thức ẩn dụ khái niệm và lý tưởng tâm linh ở Trung Quốc thời kỳ đầu] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-987457-6. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
- Smart, Ninian (2008). World Philosophies [Các nền triết học thế giới] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2). Routledge. ISBN 978-0-415-41188-2.
- Smith, David Woodruff (2018). “Phenomenology: 1. What Is Phenomenology?” [Hiện tượng học: 1. Hiện tượng học là gì?]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2021.
- Smith, Joel. “Phenomenology” [Hiện tượng học]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2021.
- Smith, Matthew J.; Brown, Matthew; Duncan, Randy (2019). More Critical Approaches to Comics: Theories and Methods [Những cách tiếp cận phê phán hơn đối với truyện tranh: Lý thuyết và phương pháp] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-0-429-78275-6. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Solomon, Robert C.; Higgins, Kathleen M. (2003). From Africa to Zen: An Invitation to World Philosophy [Từ Châu Phi đến Thiền tông: Lời mời đến với Triết học Thế giới] (bằng tiếng Anh). Rowman & Littlefield Publishers. ISBN 978-0-7425-8086-2. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2023.
- Stambaugh, Joan (1987). “Philosophy: An Overview” [Triết học: Tổng quan]. Trong Eliade, Mircea; Adams, Charles J. (biên tập). The Encyclopedia of Religion [Bách khoa toàn thư về Tôn giáo] (bằng tiếng Anh). Macmillan. ISBN 978-0-02-909480-8. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2023.
- Stehn, Alexander V. “Latin American Philosophy” [Triết học Mỹ Latinh]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2023.
- Steup, Matthias; Neta, Ram (2020). “Epistemology” [Tri thức luận]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2020.
- Taliaferro, Charles (2023). “Philosophy of Religion” [Triết học tôn giáo]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2023.
- Ten, C. L. (1999). Routledge History of Philosophy: The nineteenth century [Lịch sử triết học Routledge: Thế kỷ 19] (bằng tiếng Anh). Psychology Press. ISBN 978-0-415-05604-5. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Tian, Chenshan (2009). “Development of Dialectical Materialism in China” [Quá trình phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng tại Trung Quốc]. Trong Mou, Bo (biên tập). History of Chinese Philosophy [Lịch sử triết học Trung Quốc] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-0-203-00286-5.
- Tieszen, Richard L. (2005). Phenomenology, Logic, and the Philosophy of Mathematics [Hiện tượng học, logic và triết học toán học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-83782-8. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Truncellito, David A. “Epistemology” [Tri thức luận]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2023.
- Tully, Robert (2005). “Logic, Informal” [Logic phi hình thức]. Trong Honderich, Ted (biên tập). The Oxford Companion to Philosophy [Sổ tay Oxford về triết học] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-926479-7. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2022.
- Tuomela, Raimo (1985). Science, Action, and Reality [Khoa học, Hành động và Thực tế] (bằng tiếng Anh). Springer Science & Business Media. ISBN 978-90-277-2098-6. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2023.
- Uniacke, Suzanne (2017). “The Value of Applied Philosophy” [Giá trị của triết học ứng dụng]. Trong Lippert-Rasmussen, Kasper; Brownlee, Kimberley; Coady, David (biên tập). A Companion to Applied Philosophy [Sổ tay triết học ứng dụng] (bằng tiếng Anh). John Wiley & Sons. ISBN 978-1-118-86911-6.
- Vallely, Anne (2012). “Jainism” [Chủ nghĩa Kỳ Na]. Trong Juergensmeyer, Mark; Roof, Wade Clark (biên tập). Encyclopedia of Global Religion [Bách khoa toàn thư về tôn giáo toàn cầu] (bằng tiếng Anh). SAGE. ISBN 978-0-7619-2729-7. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.
- van Inwagen, Peter; Sullivan, Meghan; Bernstein, Sara (2023). “Metaphysics” [Siêu hình học]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2023.
- Van Norden, Bryan (2022). “Wang Yangming” [Vương Dương Minh]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2023.
- Velleman, Daniel J. (2006). How to Prove It: A Structured Approach [Làm sao để chứng minh điều đó: Một cách tiếp cận có cấu trúc] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-67599-4. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023.
- Venturinha, Nuno (2013). The Textual Genesis of Wittgenstein's Philosophical Investigations [Nguồn gốc văn bản của các suy xét triết học của Wittgenstein] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-136-17998-3. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Verene, Donald Phillip (2008). The History of Philosophy: A Reader's Guide [Lịch sử triết học: Hướng dẫn cho người đọc] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Northwestern. ISBN 978-0-8101-5197-0. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2023.
- Vickers, John M. (2022). “Inductive Reasoning” [Lập luận quy nạp]. Oxford Bibliographies (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2023.
- Vintiadis, Elly (2020). Philosophy by Women: 22 Philosophers Reflect on Philosophy and Its Value [Triết học của phụ nữ: 22 triết gia suy ngẫm về triết học và giá trị của nó] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-000-20324-0. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Vleet, Jacob E. Van (2011). Informal Logical Fallacies: A Brief Guide [Ngụy biện logic phi hình thức: Hướng dẫn ngắn gọn] (bằng tiếng Anh). University Press of America. ISBN 978-0-7618-5433-3. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023.
- Waithe, Mary Ellen (1995). A History of Women Philosophers. 4: Contemporary Women Philosophers 1900 - today [Lịch sử các nữ triết gia. 4: Các nữ triết gia đương đại 1900 - nay] (bằng tiếng Anh). Nijhoff. ISBN 978-0-7923-2808-7.
- Walsh, Richard T. G.; Teo, Thomas; Baydala, Angelina (2014). A Critical History and Philosophy of Psychology: Diversity of Context, Thought, and Practice [Lịch sử phê phán và triết lý tâm lý học: Sự đa dạng bối cảnh, tư tưởng và thực hành] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-87076-4. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023.
- Walton, Douglas (1996). “Formal and Informal Logic” [Logic hình thức và phi hình thức]. Trong Craig, Edward (biên tập). Routledge Encyclopedia of Philosophy [Bách khoa toàn thư triết học Routledge] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-0-415-07310-3. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021.
- Wei, Wang (2020). Philosophy of Science: An Introduction to the Central Issues [Triết học khoa học: Giới thiệu các vấn đề trọng tâm] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 978-1-317-54231-5. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.
- Wei-Ming, Tu. “Self-cultivation in Chinese Philosophy” [Tu thân trong triết học Trung Quốc]. Routledge Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Routledge. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2023.
- Weir, Ralph Stefan (2023). The Mind-Body Problem and Metaphysics: An Argument From Consciousness to Mental Substance [Vấn đề tâm-vật và siêu hình học: Một luận cứ từ ý thức đến vật chất tinh thần] (bằng tiếng Anh). Taylor & Francis. ISBN 978-1-000-91432-0. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2023.
- Weisberg, Josh. “Hard Problem of Consciousness” [Bài toán khó về ý thức]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2023.
- Williamson, Timothy (2020). “1. Introduction” [1. Giới thiệu]. Philosophical Method: A Very Short Introduction [Phương pháp triết học: Giới thiệu rất ngắn] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-184724-0. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022.
- Wolf, Michael P. (2023). “Philosophy of Language” [Triết học ngôn ngữ]. Internet Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2023.
- Wolff, Jonathan; Leopold, David (2021). “Karl Marx”. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2023.
- Wolff, Jonathan (2006). An Introduction to Political Philosophy [Nhập môn triết học chính trị] (bằng tiếng Anh). Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 978-0-19-965801-5.
- Woollard, Fiona; Howard-Snyder, Frances (2022). “Doing vs. Allowing Harm” [Làm hay cho phép gây hại]. Stanford Encyclopedia of Philosophy (bằng tiếng Anh). Phòng Nghiên cứu Siêu hình học, Đại học Stanford. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.
Liên kết ngoài
Từ điển từ Wiktionary | |
Tập tin phương tiện từ Commons | |
Danh ngôn từ Wikiquote | |
Văn kiện từ Wikisource | |
Tủ sách giáo khoa từ Wikibooks |
Thư viện tài nguyên ngoại văn về Triết học |
- Triết học tại Từ điển bách khoa Việt Nam
- Internet Encyclopedia of Philosophy – bách khoa toàn thư trực tuyến về triết học đã qua bình duyệt
- Stanford Encyclopedia of Philosophy – bách khoa toàn thư triết học trực tuyến do Đại học Stanford quản lý
- PhilPapers – danh mục bài viết và xuất bản trực tuyến về triết học bởi các triết gia học thuật
- Internet Philosophy Ontology Project Lưu trữ 2024-04-06 tại Wayback Machine – một mô hình về mối quan hệ giữa các tư tưởng, nhà tư tưởng và các tạp chí triết học