Bước tới nội dung

Wikipedia:Biên dịch

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nhiều bài viết của Wikipedia tiếng Việt là sản phẩm dịch thuật từ bài viết tương ứng của một hay nhiều Wikipedia ngôn ngữ khác. Trang này hướng dẫn cách biên dịch và sử dụng công cụ biên dịch tại dự án Wikipedia tiếng Việt.

Giấy phép

Bản dịch là một tác phẩm phái sinh. Các bài viết trên Wikipedia sử dụng bản quyền bên trái. Giấy phép của Wikipedia cho phép bạn dùng lại nội dung của Wikipedia ngôn ngữ khác nhưng yêu cầu phải ghi công, nên bạn cần ghi công nguồn dịch để tránh vi phạm bản quyền. Bạn có thể:

Cách biên dịch

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia là một dự án đa ngôn ngữ, tức là một bài viết có thể có nhiều phiên bản ngôn ngữ khác nhau. Các phiên bản này tồn tại độc lập và có thể được biên tập một cách độc lập với nhau, không cần phải là bản dịch chính xác của một ngôn ngữ khác, cũng không cần phải giống nhau về hình thức, văn phong hay nội dung. Bản dịch thường có ích trong việc phổ biến thông tin về một chủ đề bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Khi dịch bài từ Wikipedia ngôn ngữ khác, bạn không nhất thiết phải dịch nguyên văn bài gốc. Ngoại trừ những đoạn trích dẫn nguyên văn, bạn cần sử dụng văn phong bách khoa tiếng Việt phù hợp với chủ đề bài viết. Tránh dịch cứng nhắc và bám quá sát văn bản tiếng nước ngoài (word by word) và hãy dùng thể chủ động và bị động một cách hợp lý, nhất là với các bài dịch từ tiếng Anh để tránh tạo ra những câu văn khó hiểu, vô nghĩa, sai ngữ pháp tiếng Việt. Tránh dùng lối hành văn hoặc ngữ pháp không phải của tiếng Việt, bạn hãy đọc các nguồn tham khảo để hiểu về chủ đề đó rồi tự diễn đạt lại bằng lời văn của mình.

Bài viết bách khoa bằng tiếng Việt trên Wikipedia tiếng Việt phải dễ hiểu với hầu hết các đối tượng độc giả, do đó bạn nên sử dụng những từ phổ thông và cách diễn đạt phổ thông, gần gũi hơn là các thuật ngữ, biệt ngữ, phương ngữ; lối hành văn của toàn bài nên súc tích, dễ hiểu. Một bản dịch tốt có thể cần phải truyền tải nhiều nội dung hơn bài viết gốc. Với những thuật ngữ không được sử dụng phổ biến trong cộng đồng người nói tiếng Việt, bạn có thể giải thích nghĩa bằng ghi chú. Nếu bạn thấy rằng một đoạn hay đề mục nào đó được biên tập kém, hoặc không thể kiểm chứng được, hãy dùng tư duy phán đoán của mình và xem xét bỏ qua nội dung đó hoặc mạnh dạn biên tập lại sao cho tốt hơn. Sau khi dịch xong, bạn cũng có thể nhờ các thành viên khác giúp hiệu đính bản dịch.

Quy định của Wikipedia tiếng Việt

Mọi bài viết trên Wikipedia tiếng Việt đều phải tuân thủ 3 quy định cốt lõi về nội dung, đó là không đăng nghiên cứu chưa công bố, thông tin trong bài phải có khả năng kiểm chứng được và được trình bày với thái độ trung lập. Điều này càng đặc biệt áp dụng cho các bài tiểu sử về người đang sống. Ngoài ra, bài viết cũng phải tuân thủ quy định bản quyền.

Bạn hãy bổ sung các nguồn tham khảo của bài gốc vào bản dịch nếu thấy thích hợp. Ví dụ, nếu bạn quyết định không dịch những nội dung nào đó của bản gốc vì thấy nó không liên quan hoặc lan man, hãy xóa luôn cả phần nguồn tham khảo của nội dung đó, hoặc tìm chỗ khác trong bài để gắn các nguồn đó vào (nguồn tham khảo đóng một vai trò quan trọng trong bài viết).

Hãy xem thử liệu bạn có thể tìm được nguồn tiếng Việt tương ứng cho các thông tin đó không (ví dụ như một bản dịch tiếng Việt chính thức của nguồn tham khảo chẳng hạn), để người đọc có thể dễ dàng kiểm chứng các tài liệu đó. Nếu bạn dùng bản dịch tiếng Việt của một quyển sách ngoại văn, hãy ghi số trang theo bản dịch tiếng Việt (chứ không phải số trang trong tài liệu ngoại văn) để người khác có thể kiểm chứng.

Nếu bạn dịch phần mở đầu của một bài và nó không có nguồn vì nguồn tham khảo đều nằm hết trong phần thân bài. Bạn cần lấy các nguồn đó đưa lên phần mở bài của bạn tại các vị trí thích hợp để bài viết thỏa mãn quy định kiểm chứng của Wikipedia.

Nhiều bài viết tại Wikipedia ngôn ngữ khác không thỏa mãn quy định về kiểm chứng của Wikipedia tiếng Việt. Nếu bạn thấy có đề mục nào không nguồn thì hãy làm theo các hướng dẫn được ghi trong WP:KHONGNGUON―thêm nguồn cho nội dung đó hoặc gắn các bản mẫu thích hợp.

Công cụ Biên dịch Nội dung

Video hướng dẫn cách dùng Công cụ Biên dịch Nội dung (tiếng Anh).

Công cụ Biên dịch Nội dung (Content translation) là một chức năng beta cho phép người dùng dịch các trang của Wikipedia ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Tại Wikipedia tiếng Việt, ban đầu công cụ Biên dịch Nội dung không có bất cứ yêu cầu tỷ lệ biên dịch, với hy vọng tăng số lượng bài viết với chất lượng tương tự như bài viết gốc ở ngôn ngữ khác. Tuy nhiên nhiều thành viên lạm dụng công cụ này, tức xuất bản bài mà không biên tập kỹ lưỡng, khiến nhiều bài viết mới giảm chất lượng, từ đó làm giảm chất lượng và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của bách khoa toàn thư Wikipedia. Để hạn chế tình trạng này, hiện nay công cụ được sử dụng với nguyên tắc x/y, trong đó x là nội dung dịch máy ban đầu, tự động do công cụ làm còn y là nội dung người dùng chỉnh sửa dựa trên nội dung dịch máy ban đầu đó; x + y = 100%. Ngày 29 tháng 9 năm 2020, cộng đồng thông qua việc áp dụng tỉ lệ 95/5.[1] Bốn tháng sau thì thông qua việc giảm tỉ lệ biên dịch xuống mức 90% vào ngày 17 tháng 2 năm 2021,[2] và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 2 năm 2021.[3]

Nếu bạn đang sử dụng công cụ này và gặp phải trường hợp đã chỉnh sửa bản dịch ổn thỏa nhưng không thể xuất bản do chưa chỉnh sửa đủ 10%, hãy cung cấp phản hồi cũng như thông tin bản dịch của bạn tại Wikipedia:Biên dịch/Phản hồi để cộng đồng có thể theo dõi và điều chỉnh giới hạn công cụ cho hợp lý.

Theo đồng thuận vào tháng 9 năm 2021 của cộng đồng, chỉ có những thành viên được xác nhận mở rộng mới được phép sử dụng công cụ Dịch nội dung. Tháng 3 năm 2022, thiết lập này được chuyển thành thiết lập cứng của phần mềm.

Tránh dịch máy

Biên dịch là một công việc tốn nhiều thời gian và công sức. Dịch máy không biên tập kỹ thường cho ra kết quả kém. Máy móc có thể không dịch được các từ đa nghĩa, từ lóng, thành ngữ, tục ngữ của tiếng nước ngoài một cách chính xác, không cho ra được cách diễn đạt phù hợp trong tiếng Việt, dịch bị cứng nhắc không thoát ý, sai ngữ pháp tiếng Việt, dịch sai thuật ngữ chuyên ngành thuộc các lĩnh vực đặc thù như y sinh, hóa học, triết học, toán học,..., cùng nhiều vấn đề khác. Các thành viên Wikipedia nhất trí rằng có một bản dịch máy không biên tập mà được đăng thành một bài viết trên Wikipedia thì còn tệ hơn là không có gì (với cả, vì ai cũng có thể dùng công cụ dịch để đọc bài nên việc xuất bản bài dịch máy thành một "bài viết bách khoa" không mang lại kết quả nào).

Xem thêm

Chú thích